Trường học đẩy mạnh chuyển đổi số

08 tháng 03 năm 2021

(NLĐO)- Tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.

Yêu cầu mà thủ tướng Chính phủ đề ra đối với GD-ĐT là phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

Chuyển động mạnh mẽ

Năm 2018, ngành Giáo dục đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục với 53.000 trường học, 710 phòng GD-ĐT, gần 24 triệu học sinh và hơn 1.4 triệu giáo viên được gắn mã định danh. Thông tin của 393 trường đại học, cao đẳng với 2,5 triệu sinh viên, 120.000 giảng viên cũng được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.

Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ GD-ĐT chú trọng triển khai. Đến nay đã có 5.000 bài giảng e-learning; 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm…

Trên thực tế, việc chuyển đổi số đã được các trường thực hiện từng bước từ nhiều năm trước và đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH), quá trình số hoá đã bắt đầu từ năm 2009 khi lần đầu tiên triển khai hệ thống đào tạo tín chỉ. Từ năm 2013 đến nay, liên tục các hệ thống thông tin được xây dựng để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản trị nhà trường. Đặc biệt, hệ thống e-learning được đưa vào vận hành năm 2016 theo mô hình giảng dạy kết hợp với quy mô toàn trường, đến nay 100% các lớp học đều có triển khai các công cụ trực tuyến bổ trợ. Nhờ đó, trong đợt dịch bệnh Covid-19 nhiều biến động vừa qua, toàn bộ hoạt động của trường đã nhanh chóng thay đổi để thích ứng và vẫn đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Đến hết năm 2020, hầu hết các hoạt động của nhà trường từ quản lý đến giảng dạy, nghiên cứu khoa học đều đã được chuyển đổi số; từ việc theo dõi quá trình học tập, nghiên cứu, hoạt động đoàn thể của sinh viên, giảng viên đến các công cụ quản trị đại học thông minh như quản trị nhân sự, lịch giảng, thời khóa biểu, quản lý khoa học, đánh giá KPI cho viên chức. Sinh viên còn được trải nghiệm hệ thống chăm sóc người học, thực hiện các dịch vụ công của nhà trường hoàn toàn trực tuyến.

Trong năm 2021, trường tiếp tục thực hiện theo đề án Chuyển đổi số, UEH tiến hành rà soát, nhìn lại quá trình phát triển để định hướng cho việc chuyển đổi số phù hợp sự phát triển công nghệ trong tương lai như ứng dụng các công nghệ mới trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, di động hóa, phân tích dữ liệu tối ưu hóa nguồn lực, phát triển những ứng dụng tiện ích sáng tạo nhằm tạo sự trải nghiệm tiện nghi, định hướng phát triển công dân số toàn cầu trong tương lai.

Hay tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, trường đã cho thành lập Trung tâm dạy học ảo (UTEx), tổ chức các khóa học trực tuyến. Trường còn xây dựng thêm trung tâm dữ liệu lớn và nhiều chương trình chuyển đổi số khác như hệ thống phần mềm quản lý. Hiện nay, 100% các lớp đều có thể được dạy học online. PGS- TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, cho rằng nút thắt chuyển đổi số nằm ở tư duy của người đứng đầu và những người thực hiện nhiều khi không theo kịp với sự phát triển của công nghệ.

Cần bài bản hơn để nâng cao hiệu quả

Bộ GD-ĐT nhìn nhận, dịch Covid-19 vừa qua mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả dạy học online trong thời điểm dịch Covid-19 được đánh giá tốt. Tuy nhiên, ngành giáo dục và đào tạo vẫn cần tổ chức lại hoạt động chuyển đổi số một cách bài bản hơn để nâng cao hiệu quả.

Chia sẻ về những việc cần phải làm để thực hiện chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, cho rằng, trước hết cần có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để từng tập thể, cá nhân, mỗi giáo viên, học sinh có thể tham gia và hoạt động hiệu quả. Trên nền tảng đó sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng kho tài nguyên học tập số, qua đó, công tác quản lý, hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy, chia sẻ tri thức trở nên hiệu quả, thiết thực.

Tại Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 9-12 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngành Giáo dục hiện còn "thiếu một công cụ thực thi hiệu quả", đó chính là các nền tảng số. Đây phải là nền tảng mở, để liên tục được cập nhật và tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn là cách thức giảng dạy, cách học, cách thi kiểm tra, hay nói cách khác là các quy trình. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giúp ngành giáo dục xây dựng được những nền tảng như thế.

"Chúng ta hãy cùng suy nghĩ thấu đáo và chọn cho mình một niềm tin đúng, đi đến tận cùng, để xây dựng nên các đại học xuất sắc thông qua chuyển đổi số. Đại học xuất sắc, giáo dục và đào tạo xuất sắc là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên và hùng cường thịnh vượng. Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng Bộ GDĐT trên hành trình đầy thách thức và vinh quang này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

4 vấn đề cơ bản để thúc đẩy chuyển đổi số trong GD-ĐT

Thời điểm dịch Covid-19, với phương châm "tạm dừng đến trường, không ngừng học", 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy-học trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng. Với sự linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong GD-ĐT này, ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên.

Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2021-2025, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng triển khai ở 4 vấn đề cơ bản: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Nguồn: Báo Người lao động

Chia sẻ