Đoán định tư pháp: Xu thế mới trong hành nghề Luật

23 tháng 03 năm 2021

Sáng ngày 17/3/2021, tại Hội trường B1.302, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc chương trình Chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam, uỷ viên Hội đồng Khoa học Khoa Luật, đã có buổi báo cáo và sinh hoạt chuyên đề với chủ đề: “Đoán định tư pháp: Xu thế mới trong hành nghề Luật” với sinh viên UEH.

Buổi sinh hoạt có sự tham gia của nhiều khách mời là những luật sư tại các công ty luật, các chuyên gia và học giả từ các đơn vị nghiên cứu, trong đó có LS. Trương Nhật Quang - Luật sư điều hành YKVN - Một trong những công ty luật hàng đầu Việt Nam; ThS. LS. Lê Hữu Trí, Luật sư điều hành Trilaw và các thầy, cô là giảng viên Khoa Luật và hơn 100 nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên.

Theo PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, đoán định tư pháp là một thuật ngữ mới, mô tả một xu thế đổi mới hoạt động đảm bảo công lý của các bên liên quan (luật sư, doanh nghiệp, người dân, công tố, cơ quan điều tra) dưới sức ép của công nghệ. Có thể thấy, dưới sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, với việc hình thành và phát triển các công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain (chuỗi khối), Big Data (dữ liệu lớn), machine learning (học máy), đã diễn ra một làn sóng đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành công nghệ pháp lý với gần 2 tỉ USD vào năm 2020 và hơn 4600 doanh nghiệp hình thành. Sự bùng nổ diễn ra trước tiên ở Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc, và chậm hơn ở Liên minh Châu Âu.

PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề

Công nghệ đã góp phần tạo ra các nền tảng, các công cụ, như Casetext nhằm hệ thống hóa, phân tích các bản án; Ravel Law nhằm phân tích quan điểm của tòa, của từng thẩm phán, xu thế phán quyết của từng thẩm phán; Legal Robot nhằm phân tích rủi ro, tư vấn hợp đồng; IBM Watson nhằm tư vấn pháp lý bởi Trí tuệ nhân tạo; Claudette nhằm tư vấn pháp lý cho người tiêu dùng. Như vậy, đã xuất hiện trào lưu sử dụng trí tuệ nhân tạo để đảm nhận nhiều dịch vụ pháp lý, thay thế con người, từ đó, dần hình thành các khái niệm như “predictive policing” (Dự báo, điều tra tội phạm dựa trên dữ liệu lớn và Trí tuệ nhân tạo); hay “predictive justice” (đoán định tư pháp). Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo đã, đang và sẽ thay thế dần các phần việc của con người trong ngành tư pháp và bổ trợ tư pháp, giúp giảm chi phí và thời gian, tăng tiệm cận công lý cho người dân.

PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, với cách trình bày gần gũi và giản dị, cũng chia sẻ góc nhìn về xu hướng ở Việt Nam đối với vấn đề này. Phó Giáo sư cho rằng quá trình chuyển đổi số dần trở nên cấp thiết trong thời kỳ mới, việc áp dụng công nghệ sẽ dẫn đến một nền tư pháp tốt hơn, tiến bộ hơn, gắn liền với sự tham gia của người dân và tiếng nói của xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Việt Nam cần phải bắt kịp xu thế và hoà theo dòng chảy của công nghệ mới để tránh việc tụt hậu và rơi vào chiếc bẫy thu nhập trung bình.

LS. Trương Nhật Quang - Luật sư điều hành YKVN chia sẻ góc nhìn của mình

ThS. LS. Lê Hữu Trí, Luật sư điều hành Trilaw bày tỏ quan điểm đối với quá trình chuyển đổi số đối với hệ thống tư pháp ở Việt Nam

Cũng tại buổi chuyên đề, các chia sẻ từ LS. Trương Nhật Quang, Luật sư điều hành YKVN và ThS. LS. Lê Hữu Trí, Luật sư điều hành Trilaw cũng nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Theo đó, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn từ quá trình phát triển của công nghệ. Các công ty luật Việt Nam, trong nhiều năm qua, đã chứng kiến sự phát triển thần tốc từ các công ty luật ở Trung Quốc, cả về số lượng luật sư, doanh thu và quy mô. Tuy nhiên, công nghệ cũng tạo ra các vấn đề, như việc thay thế con người trong quá trình hành nghề luật, từ đó, luật sư phải tìm một chỗ đứng mới trong thời kỳ này. Ở Việt Nam hiện nay, đã có các doanh nghiệp theo xu hướng áp dụng các công nghệ đột phá trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý, nhưng chỉ là ở bước đầu như thu thập, tạo cơ sở dữ liệu, chứ chưa đạt đến trình độ phân tích và đưa ra các dự báo như các hệ thống học máy ở các quốc gia phát triển.

Các diễn giả nhận được nhiều câu hỏi từ các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên.

Các thầy, cô giảng viên Khoa luật chụp hình cùng các diễn giả tại buổi báo cáo.

Tin, ảnh: Khoa Luật UEH, Phòng Marketing - Truyền thông.

Chia sẻ