Chuỗi hội thảo ATF23: Giao thoa nghệ thuật và công nghệ - Những tiềm năng mới

19 tháng 10 năm 2023

Trong khuôn khổ sự kiện thường niên ArtTech Hub 2023, ngày 13/10//2023, ArtTech Hub trực thuộc Đại Học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã hợp tác với các chuyên gia Hàn Quốc đến từ Đại Học Seo Kyeong (Hàn Quốc) và Viện Công Nghệ Điện Tử (Hàn Quốc) tổ chức hội thảo “Giao thoa nghệ thuật và công nghệ”. Hội thảo xoay quanh xu thế và định hướng phát triển của những lĩnh vực như: văn hoá, nghệ thuật, công nghệ và giáo dục trong tương lai. Qua hoạt động trao đổi này, các sinh viên không chỉ được cung cấp những kiến thức về các biện pháp giải quyết và định hướng sự phát triển bền vững của xã hội, mà còn được trao đổi học thuật, học tập, rèn luyện và trao đổi văn hoá giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo “Art and Technology Convergence Opening New Possibilities”

Tích hợp công nghệ và nghệ thuật là một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời đại hiện nay. Sự giao thoa giữa hai lĩnh vực này tạo ra lĩnh vực mới được gọi là "ArtTech”, không chỉ mang lại giá trị sáng tạo mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho xã hội trong tương lai.

Công nghệ và nghệ thuật trở thành một đôi không thể tách rời. Công nghệ cho phép nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật số độc đáo, từ hình ảnh số hóa đến video tương tác, âm nhạc số và nhiều thể loại tác phẩm khác. Triển lãm tương tác đưa người xem vào tác phẩm, cho họ trải nghiệm nghệ thuật theo cách cá nhân và thú vị. Ứng dụng di động và thiết bị thông minh biến nghệ thuật thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày, tạo ra cơ hội sáng tạo và tương tác mới.

Ngoài ra, công nghệ cung cấp các công cụ mạnh mẽ cho thiết kế đồ họa, multimedia và trình bày. Nó cũng là một phương tiện hiệu quả trong giáo dục và giới thiệu thông tin. Từ việc tạo ra trải nghiệm học tập thú vị đến việc cải thiện cách con người tương tác với thế giới xung quanh, sự hợp nhất giữa công nghệ và nghệ thuật mang lại tiềm năng lớn cho sự phát triển bền vững của xã hội trong tương lai.

Buổi hội thảo được chủ trì bởi TS. Dong Su Yi, Phó Khoa Thiết kế Truyền thông cùng với sự tham dự của Giáo sư Myungha Kim công tác tại Đại học Seokyung và ETRC (Trung tâm nghiên cứu công nghệ giải trí) và Giáo sư Moon Yeon-Kug công tác tại Viện Công nghệ Điện Tử Hàn Quốc (Korea Electronics Technology Institute). Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sinh viên và phát triển nguồn nhân lực. Điều này bao gồm đầu tư vào công nghệ giáo dục, tăng cường hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, và đưa ra các chương trình đào tạo chất lượng cũng như thúc đẩy giáo dục trực tuyến. Đại học Seokyung là một ví dụ điển hình về việc thực hiện những chính sách giáo dục này.

Trong lĩnh vực công nghệ và khoa học, Hàn Quốc cũng đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, phần mềm và robot. Họ khuyến khích hợp tác giữa các viện nghiên cứu, đại học và doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ vào sản xuất và phát triển kinh tế. Các tổ chức như ETRC (Trung tâm nghiên cứu công nghệ giải trí) và Viện Công nghệ Điện tử đang tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện các dự án tiềm năng.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng thúc đẩy các chương trình trao đổi, nghiên cứu, thực tập, và cung cấp cơ hội cho sinh viên để nhận bằng quốc tế trong lĩnh vực công nghệ và khoa học. Buổi hội thảo này đã góp phần đưa ra các giải pháp phù hợp với thực trạng hiện nay của Việt Nam với các lời khuyên từ chuyên gia Hàn Quốc.

Trong buổi hội thảo, Giáo Sư Myuhngha Kim và Giáo sư Moon Yeon-Kug đã đề cập đến sự kết hợp giữa Nghệ Thuật (Art) và Công nghệ (Tech) có tiềm năng cao trong việc giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, mô hình học trực tuyến và học từ xa đang được áp dụng rộng rãi, giúp mở cửa tiếp cận các chương trình học từ khắp nơi trên thế giới và giải quyết vấn đề chênh lệch trong điều kiện giáo dục ở các khu vực khác nhau.

Giáo sư Myungha Kim trong buổi hội thảo

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo tại lĩnh vực nghệ thuật đã tạo ra trải nghiệm chân thực, tái hiện không gian văn hóa và công trình lịch sử mà tranh ảnh thông thường không thể làm được. Ví dụ, Viện Nghiên cứu kinh thành tại Việt Nam đã thành công trong việc phục dựng hoàng cung Thăng Long thời nhà Lý bằng công nghệ 3D sau 10 năm nghiên cứu, tái hiện lại toàn bộ 64 kiến trúc, 38 cung điện và hành lang, 26 lầu lục giác, cùng tường bao, đường đi và cổng vào.

Sinh viên tham gia tích cực trong buổi hội thảo

Tại buổi hội thảo, các sinh viên UEH đã rất tích cực lắng nghe và tương tác với các diễn giả. Các bạn đã cố gắng tận dụng cơ hội trao đổi kiến thức với các giáo sư bằng cách đặt các câu hỏi xoay quanh việc vận dụng công nghệ vào phát triển bền vững. Sau buổi trao đổi, sinh viên đã nắm vững thêm được nhiều kiến thức bổ ích như sự phát triển của công nghệ, ví dụ như trong lĩnh vực thương mại điện tử, đã giúp giảm bớt bất công xã hội bằng cách mở cửa cơ hội cho người dân tiếp cận hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp nhỏ lẻ có cơ hội phát triển, tạo sự bình đẳng trong phát triển kinh tế. Như vậy, việc ứng dụng ArtTech đóng góp rất lớn trong việc giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, phát triển Giáo dục, Văn hóa, Nghệ thuật và góp phần vào mục tiêu chung và lâu dài là hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Tin, ảnh: ArtTech Hub

Chia sẻ