Chuyển đổi số: Nền tảng để xây dựng đại học thông minh

06 tháng 10 năm 2021

[Giáo dục & Thời đại] - Thời gian qua, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã không ngừng thúc đẩy việc chuyển đổi số.

Sinh viên của UEH trong năm học 2020. Ảnh tư liệu
 
Trọng tâm của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, quản lý và số hóa các hoạt động chăm sóc sinh viên là nhắm đến định hình và xây dựng đại học thông minh.
 
Số hóa hoạt động quản lý và giảng dạy
 
Hiểu được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, trong 2 năm trở lại đây, UEH không chỉ quan tâm số hóa bài giảng, các hoạt động quản lý chung qua phần mềm, các ứng dụng tương tác giữa người học với nhà trường, dịch vụ phục vụ sinh viên mà còn triển khai sâu rộng chương trình đào tạo Blended Learning (phương pháp kết hợp giảng dạy truyền thống và E-learning).
 
TS Đinh Tiên Minh - Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing (UEH) cho biết: Từ năm 2016, UEH đã bắt đầu áp dụng mô hình Blended learning vào trong quá trình đào tạo tại các bậc/hệ với phương thức 30% thời lượng môn học cho các hoạt động giảng dạy trực tuyến (online) và 70% cho các hoạt động giảng dạy tại phòng học (offline), trong đó hệ thống LMS-UEH được xây dựng để quản lý và tạo môi trường trực tuyến cho các hoạt động đào tạo.
 
“Sau thời gian triển khai chúng tôi nhận thấy, mô hình Blended learning ít tốn kém hơn học trong các lớp học truyền thống, thậm chí là có tiềm năng cắt giảm được chi phí giáo dục. Blended Learning giảm chi phí bằng cách đặt những lớp học lên thế giới online và cơ bản thay thế được cho các cuốn sách đắt đỏ với các thiết bị điện tử mà sinh viên có thể tự mang đến lớp (số hóa).
 
Đặc biệt, các bài kiểm tra kiến thức trong phương pháp Blended Learning được chấm tự động, cung cấp phản hồi tức thời. Quá trình sinh viên đăng nhập và thời gian làm việc cũng được đo lường để đảm bảo trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, phương pháp Blended Leaning còn tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dạy và người học, điều kiện cơ sở vật chất, đồng thời chất lượng giáo dục được gia tăng”, TS Minh chia sẻ.
 
Ngoài việc thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào các phương thức dạy học, NCKH, UEH cũng mới triển khai Dự án cộng đồng hỗ trợ chuyển đổi số miễn phí cho các trường THPT với tên gọi Global Learning nhằm giúp giáo viên các trường THPT có kinh nghiệm và có thể chủ động dạy và học trực tuyến.
 
ThS Võ Hà Quang Định - Phòng Công nghệ Thông tin UEH cho biết: “Xu hướng giảng dạy tại Việt Nam nói chung và UEH nói riêng sẽ bắt buộc phải có sự chuyển dịch. Số hóa hoạt động học tập là xu thế buộc phải làm trong bối cảnh mới, trong đó mô hình Blended Leaning dự báo sẽ đem đến tiềm năng giúp nâng cao hiệu quả của việc dạy và học, trên cơ sở duy trì nhất quán các nguyên tắc sư phạm cơ bản lồng ghép trong thiết kế học phần chi tiết, giúp mang lại một trải nghiệm học tập tối ưu cho sinh viên”.
 
Bảng mô tả hệ thống phần mềm công nghệ mà UEH đang áp dụng. Ảnh: NTCC
 
Xây dựng đại học thông minh
 
Với những nền tảng hạ tầng và cả tâm thế đã chuẩn bị suốt 3 năm qua, UEH đang đặt mục tiêu chuyển đổi thành đại học thông minh (ĐHTM) trong thời gian ngắn. Theo TS Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH, với ĐHTM, công nghệ trở thành công cụ quan trọng cho học tập, nghiên cứu, phục vụ học tập và các nhiệm vụ liên quan khác.
 
Trong đó, số hóa các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và các hoạt động khác bằng những phần mềm, thiết bị và công nghệ, tích hợp, chuyển đổi mô thức hoạt động… sẽ thúc đẩy tính tinh gọn, hiệu quả, khả năng phân tích, đề ra giải pháp cải thiện môi trường giáo dục đại học cho các đối tượng liên quan.
 
“Tài nguyên số, nội dung giáo dục mở, môi trường giáo dục ảo, hạ tầng số là 4 yếu tố cơ bản của đại học thông minh V-SMARTH và dạy - học trực tuyến. Tính đến tháng 3/2021, UEH đang có 60 hệ thống, phầm mềm được triển khai với tần suất sử dụng và số lượng người dùng khác nhau.
 
Đối sánh với các chỉ số, điều kiện để tiệm cận đến mô hình ĐHTM theo mô hình Nguyễn Hữu Đức và cộng sự (2020) thì UEH đang đáp ứng tốt 2 kết quả mức độ thông minh (Ci) và mức độ sẵn sàng (Ri). Đây là điều khiến chúng tôi tự tin sớm xây dựng UEH trở thành một ĐHTM”, TS Hùng nói.
 
Thực tế, theo các kết quả nghiên cứu và khảo sát cán bộ, giảng viên, sinh viên mà nhóm nghiên cứu của UEH thực hiện cho thấy nhà trường bước đầu đã có những chiến lược và kế hoạch đầu tư công nghệ đúng đắn khi thành phần hạ tầng số và môi trường giáo dục có tương tác đã đạt kết quả cao (lần lượt 77% và 70% khảo sát), thành phần tài nguyên số cũng đang trong quá trình hoàn thiện (đạt 55%). Tuy nhiên, thành phần thiết kế khóa học theo nhu cầu riêng hiện chỉ đạt 33%, điều đang được UEH cố gắng xây dựng, phát triển và nâng cao.
 
Nói về chiến lược và mục tiêu chuyển đổi thành ĐHTM, GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường UEH cho biết, quá trình thực hiện chuyển đổi số đòi hỏi lãnh đạo và quản lý nhà trường phải công nhận và sử dụng “sức mạnh của các công nghệ mới” để gia tăng mức độ thông minh (nghĩa là tăng Ci) của các hệ thống sau khi hoàn tất quá trình chuyển đổi số, của phương pháp giảng dạy, của phòng học, chương trình học… đồng thời cho phép sử dụng thời gian, tài chính và nhân viên hiệu quả hơn.
 
"Các cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý cần có nhận thức đúng đắn về lợi ích của công nghệ, của chuyển đổi số, của phát triển ĐHTM để có động lực mạnh mẽ và quyết tâm cao độ trên con đường tiến đến mục tiêu ĐHTM và đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng các kỹ năng và khả năng mới cho mình một cách phù hợp. Chuyển đổi số hướng tới ĐHTM là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện tất cả hoạt động của cơ sở giáo dục đại học cả về yếu tố kỹ thuật, quy trình và con người. Lãnh đạo là người quyết định quá trình chuyển đổi số thành công hay thất bại". - GS.TS Nguyễn Đông Phong

 

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

 

 

Chia sẻ