Sinh viên Luật cần chuẩn bị gì để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong thị trường việc làm ngành Luật?

27 tháng 04 năm 2022

Trong những năm gần đây, nhu cầu học luật và làm việc trong ngành luật của giới trẻ ngày càng tăng. Thị trường việc làm trong ngành luật cũng trở nên sôi động, thu hút nhiều Tân cử nhân Luật tham gia vào rất nhiều ngành nghề luật, cả trong khối công lẫn khối tư. Nhiều cơ hội việc làm cho người học luật có thể tham gia vào như các công ty luật, pháp chế doanh nghiệp, công chứng, thừa phát lại, quản tài viên bên cạnh những đơn vị sử dụng nhân lực ngành luật thuộc khối công như các cơ quan hành chính nhà nước, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án… Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các sinh viên sắp tốt nghiệp từ Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH (CELG), vừa qua, tại hội trường A-103, Khoa Luật đã tổ chức buổi báo cáo và sinh hoạt chuyên đề: “Thị trường việc làm và sự chuẩn bị của sinh viên luật”.

Buổi báo cáo có Luật sư Trương Nhật Quang - Luật sư Thành viên Điều hành Công ty Luật YKVN, Uỷ viên Hội đồng Khoa học Khoa Luật trình bày. Về phía Khoa Luật có sự tham dự của TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng Khoa Luật, quý Thầy/Cô và đông đảo sinh viên năm thứ 3 của Khoa Luật.

Luật sư Trương Nhật Quang - Luật sư Thành viên Điều hành Công ty Luật YKVN, Uỷ viên Hội đồng Khoa học Khoa Luật 

Trong phần đầu của báo cáo, Luật sư Quang đã trình bày những vấn đề mang tính khái quát về cơ hội việc làm tại Việt Nam. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. GDP tăng trưởng ở mức trung bình 6.22% trong giai đoạn 2009 - 2019. Trong khi đó, sinh viên luật, với hệ thống kiến thức và kỹ năng tốt có thể công tác tại nhiều ngành nghề khác nhau, như nhà nghiên cứu, giảng viên tại các cơ sở đào tạo luật, công chức trong hệ thống Tòa án và Viện kiểm sát, công chức nhà nước, nhân viên pháp chế tại doanh nghiệp, luật sư hay các vị trí công việc khác.

Đối với thị trường pháp lý, Luật sư Quang cho rằng, đây vẫn còn là một thị trường “trẻ”, chỉ bắt đầu phát triển kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế. Chính vì vậy, số lượng luật sư ngày càng tăng và có xu hướng “bùng nổ”, đặc biệt là trong 6 năm qua. Nếu năm 2015, cả nước chỉ có hơn 9.400 luật sư thì đến năm 2021, Việt Nam đã hơn 16.100 luật sư, tăng tương đương 40%, trung bình mỗi năm hơn 1.000 luật sư. Về mặt địa bàn, sự phát triển của số lượng luật sư tập trung vào 2 thành phố, trong đó Hà Nội có hơn 4.700 luật sư và TP.HCM có hơn 6.400 luật sư. Mặc dù vậy, số lượng luật sư vẫn còn ít đối với nhu cầu xã hội khi Việt Nam chỉ có 1 luật sư/6.198 người dân, con số này của Singapore là 1/1.000, Mỹ là 1/250 và Nhật Bản là 1/4.546. Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu trên thị trường hiện nay bao gồm: giao dịch công ty (bao gồm cả hoạt động mua bán và sáp nhập), tài chính ngân hàng (bao gồm cả thị trường vốn), sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp (bao gồm cả tố tụng tòa án và trọng tài). Trong số này, mua bán và sáp nhập là lĩnh vực hoạt động mang lại nguồn doanh thu chủ yếu cho hầu hết các công ty luật. Tố tụng tòa án và trọng tài (bao gồm trọng tài quốc tế) cũng ngày càng phát triển. Khối lượng công việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và sở hữu trí tuệ mang tính ổn định.

Luật sư Trương Nhật Quang nhiệt tình chia sẻ những thông tin bổ ích cho các bạn sinh viên Khoa Luật tại buổi báo cáo

Với gần 30 năm kinh nghiệm, cũng như là giám khảo cho nhiều chương trình chuyên môn và khuyến học về pháp luật, Luật sư Quang nhận định các bạn sinh viên luật hay bị “sốc” và thiếu tự tin khi mới bước vào nghề trong những năm đầu. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: môi trường làm việc cạnh tranh và không thân thiện (khác với môi trường thời sinh viên), kiến thức luật mà các bạn trang bị không đủ sâu, thiếu khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Đó còn là do tâm lí e dè, không biết cần bắt đầu từ đâu, làm gì cũng sợ sai hay bối rối khi đối mặt các vấn đề đạo đức. Chính vì vậy, ngay từ còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi sinh viên cần có sự chuẩn bị cần thiết cho bản thân, từ tâm lý, kiến thức luật, ngoại ngữ cho đến kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp.

Đi sâu vào chi tiết, mỗi sinh viên cần rèn luyện kỹ năng nghiên cứu và phân tích - vốn là kỹ năng cơ bản đầu tiên của mọi luật sư. Bằng những tình huống gần gũi và thực tiễn, luật sư đã nhấn mạnh đến các yếu tố như tìm ra sự kiện pháp lý và vấn đề pháp lý, tìm ra nguồn luật có liên quan, hay tìm ra kết luận sử dụng tư duy logic. Điều này đòi hỏi tính đúng logic, tính đầy đủ và tính thực tế trong tư duy của các bạn. Trong khi đó, kỹ năng trình bày ý kiến tư vấn cũng là một kỹ năng cơ bản của luật sư, với các yếu tố tạo nên một thư tư vấn gồm mở bài, thân bài và kết luận. Ngoài ra, việc trình bày như thế nào vừa kỹ thuật vừa tránh khô khan cũng được nhấn mạnh. Những gợi ý bao gồm hiểu được nhu cầu và hướng đến khách hàng, trình bày một cách đơn giản, hay nhấn mạnh những điểm quan trọng, sử dụng mẫu văn bản của công ty nơi mình làm việc và các yêu cầu về ngôn ngữ cũng được luật sư dẫn chứng.

Trong vấn đề giao tiếp trong văn phòng, luật sư yêu cầu các bạn sinh viên cần có thái độ tôn trọng tôn ti trật tự nhưng tự tin trong giao tiếp, cũng như phải thể hiện mong muốn và hào hứng chân thực khi thực hiện công việc được giao. Môi trường công sở đòi hỏi các bạn tham gia tích cực vào các cuộc họp và sự kiện chung, tránh rụt rè khi tham gia thảo luận và trình bày ý kiến. Bằng chính những trải nghiệm thực tế, luật sư đã nhấn mạnh đến yếu tố trung thực về lỗi lầm của mình, xin lỗi về việc mắc lỗi và cầu thị để trao đổi cách giải quyết. Yếu tố cuối cùng đối với các sinh viên chính là cần lưu ý về đạo đức nghề nghiệp, như luôn phải bảo vệ quyền lợi khách hàng và đặt quyền lợi khách hàng lên trên hết, bảo mật thông tin và tránh những tình huống có thể làm phát sinh xung đột về lợi ích.

Diễn giả nhận được nhiều câu hỏi từ các sinh viên về những chuẩn bị cần thiết cho tương lai

Với lối trình bày lôi cuốn và hóm hỉnh, Luật sư Quang kết luận, từ khi còn là sinh viên, các bạn cần có sự chuẩn bị cần thiết cho bản thân về tâm lý khi đi làm, nắm vững kiến thức luật. Ngoài ra, các bạn cũng nên chú trọng học và thực hành ngoại ngữ sớm, rèn luyện kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghiên cứu và phân tích, kỹ năng trình bày ý kiến, kỹ năng giao tiếp và ứng xử và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Diễn giả, đại biểu và sinh viên chụp hình lưu niệm cuối chương trình

Tin, ảnh: Khoa Luật CELG-UEH, Phòng Marketing - Truyền thông

 

Chia sẻ