“Vai trò quan trọng của trường đại học, viện nghiên cứu trong phát triển Thành phố thông minh"

11 tháng 12 năm 2020

Đó là một trong những chia sẻ của TS. Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và Quản lý trực thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tại Tọa đàm Kinh tế trực tuyến: Kịch bản cho tương lai Thành phố thông minh - Từ chính sách đến thực thi do Báo VnExpress tổ chức sáng ngày 10/12/2020.

Thành phố thông minh là mô hình đô thị ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Thành phố thông minh (Smart city) đang là một trong những chủ đề lớn của thế giới, được đặt ra nhằm trả lời cho câu hỏi: Tương lai của hàng tỷ người sống tại các đô thị sẽ ra sao nếu có sự tham gia sâu của công nghệ??

Theo đề án phát triển thành phố thông minh, đến 2025, Việt Nam có ít nhất ba thành phố thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và miền Nam và hơn 40 thành phố đang định hướng phát triển thành phố thông minh. Đến 2030, Việt Nam sẽ hình thành một chuỗi thành phố thông minh tại các vùng kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối với thành phố thông minh trong khu vực và trên thế giới. Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi thế nào từ mô hình này? Cần những điều kiện gì để xây dựng một thành phố thông minh hiệu quả? Vai trò của ba "nhà": nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp đến đâu?

Sáng ngày 12/10/2020, đại diện Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) - TS. Trịnh Tú Anh: Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và Quản lý (UEH) đã tham gia Tọa đàm Kinh tế trực tuyến: Kịch bản cho tương lai Thành phố thông minh - Từ chính sách đến thực thi. Tọa đàm còn có sự tham dự của Ông Nguyễn Việt Long - Phó Giám đốc Sở Khoa Công nghệ Bình Dương, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Ban Kinh doanh chiến lược, Tập đoàn FPT.

TS. Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và Quản lý (UEH) tham gia Tọa đàm Kinh tế: Kịch bản cho tương lai Thành phố thông minh - Từ chính sách đến thực thi

Tại tọa đàm, các khách mời đã bàn luận sâu về những yếu tố nền tảng của mô hình thành phố thông minh, cơ hội và thách thức của các thành phố tại Việt Nam trong việc triển khai đề án này, cũng như khuyến nghị chính sách để mô hình này phát huy hiệu quả trong một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực. Các chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp từ cả nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp để xây dựng thành phố thông minh hiệu quả.

Ở góc độ nhà trường, TS. Trịnh Tú Anh đã có nhiều chia sẻ thú vị về thành phố thông minh:

Nói đến thành phố thông minh, 05 từ khóa đầu tiên chị nghĩ tới là gì?

Đứng trên phương diện trường đại học/ Viện nghiên cứu và có nghiên cứu khá lâu trong lĩnh vực này, 05 từ khóa tôi thấy rất cần thiết cho câu chuyện phát triển thành phố hay đô thị thông minh hiện nay đó là integration (sự tích hợp), consistency (sự nhất quán), urban problem solving (giải quyết các vấn đề của đô thị), using efficientt resources (sử dụng nguồn lực hiệu quả), smart technology (công nghệ thông minh).

Từ góc độ nhà trường, chị định nghĩa thế nào về thành phố thông minh?

Có rất nhiều định nghĩa về đô thị hay thành phố thông minh, mỗi quốc gia sẽ lựa chọn một định nghĩa phù hợp với bối cảnh của mình để phát triển. Theo quan điểm của Viện Đô thị thông minh và Quản lý và các đơn vị cộng tác, chúng ta có thể xem thành phố như một cơ thể sống của con người, khi cơ thể tức đô thị/ thành phố càng hoạt động thì sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề khác nhau. Vậy thành phố/ đô thị thông minh là nơi có thể giải quyết các vấn đề của đô thị thông qua ứng dụng công nghệ bằng các nguồn lực mình có một cách hiệu quả, để hướng tới phát triển bền vững. Thành phố/ đô thị thông minh hiện nay đang là xu hướng phát triển trên toàn thế giới, mô hình này đang chứng tỏ đã giải quyết được rất nhiều vấn đề đô thị. Tuy nhiên 05 hay 10 năm nữa, có thể sẽ có một mô hình đô thị/ thành phố khác hiệu quả hơn trong phát triển bền vững sẽ ra đời. Cho dù phát triển mô hình đô thị/ thành phố nào, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Từ góc độ nhà trường, những tiêu chí nào để nhìn nhận là thành phố thông minh?

Theo quan điểm của Viện Đô thị thông minh và Quản lý, thành phố thông minh là nơi mà con người thật sự thấy hạnh phúc, họ được sử dụng các công cụ theo đúng nhu cầu và hiệu quả.

Tại Việt Nam, hiện tại thách thức của mô hình smart city là gì?

Theo quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất của mô hình thành phố/ đô thị thông minh hiện nay là làm sao các thành phố/ địa phương phải chọn được một bản sắc (identity) riêng cho mình hoặc những vấn đề cần ưu tiên giải quyết triệt để trong khoảng thời gian nhất định và kêu gọi tất cả mọi người từ mọi lĩnh vực, cấp ban ngành… cùng phối hợp tham gia để cùng thực hiện mục tiêu đó.

Bài học nào để Việt Nam có thể học theo, hoặc nên tránh từ các thành phố thông minh trên thế giới?

Sau một thời gian khá dài nghiên cứu về thành phố thông minh, thăm quan nhiều thành phố thông minh để học hỏi, các Giáo sư và chuyên gia trên thế giới cũng chia sẻ rằng thật sự chưa có đích đến cuối cùng của một thành phố thông minh. Thành phố thông minh là con đường đi đến chứ không phải là điểm đến cuối cùng. Vì vậy mỗi địa phương cần xác định mình cần làm gì trong 10-20 năm nữa, định vị địa phương mình ở đâu trên bản đồ thành phố phát triển bền vững. Bên cạnh đó, môt vấn đề cũng hết sức quan trọng là tư tưởng cởi mở, sẵn sàng chia sẻ thông tin và cùng nhau làm việc để giải quyết bất kỳ một vấn đề nào trong đô thị. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thành lập Viện Đô thị thông minh và Quản lý nhằm tạo một nền tảng tích hợp - Nơi mà những người “cấp tiến” từ chính quyền, địa phương, stakeholder, dân cư địa phương trong và ngoài nước… sẵn sàng chia sẻ thông tin cởi mở với nhau vì lợi ích chung phát triển cho cộng đồng.

Vai trò của nhà trường trong việc phát triển thành phố thông minh là như thế nào?

Ngoài đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, Trường đại học/ Viện nghiên cứu còn là một nền tảng tích hợp (integrated platform) - Nơi mà tất cả các lĩnh vực, các đơn vị, các cấp ngành trong và ngoài có thể cùng chia sẻ - giáo dục - nghiên cứu - tư vấn - hỗ trợ ra quyết định - đánh giá - kiểm soát các chiến lược, đồ án, dự án, đề án để giải quyết các vấn đề trong xã hội. Điều đó cũng giúp các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu có động lực thực sự được làm những điều họ mong muốn và chia sẻ thông tin vì lợi ích chung của cộng đồng.

Nhà trường muốn tham gia gì vào chính sách phát triển thành phố thông minh?

Hiện tại, mỗi môn học của chúng tôi đều hướng tới giải quyết một vấn đề nào đó của đô thị, của cuộc sống vì thế chúng tôi kỳ vọng trường đại học sẽ được tham gia mạnh mẽ hơn trong các chiến lược, dự án, nghiên cứu phát triển thành phố thông minh ngay từ đầu với vai trò tư vấn, ra quyết định. Với sự đầu tư và phát triển phòng studiolab đô thị thông minh, mô phỏng đô thị (tại Viện Đô thị thông minh và Quản lý của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cũng như các phòng lab khác của nhiều trường đại học khác, chúng tôi hướng tới việc trở thành các trung tâm R&D và cùng với doanh nghiệp, nhà nước để xây dựng các living lab để giải quyết các vấn đề mà thành phố thông minh hướng tới ở từng địa phương, từng đơn vị theo yêu cầu cụ thể.  

Toàn bộ nội dung tọa đàm, vui lòng xem chi tiết tại: 'Phát triển thành phố thông minh cần có sự hợp lực từ ba nhà'

Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông, Viện Đô thị thông minh và Quản lý.

 

Chia sẻ