Hội thảo Nghiên cứu phát triển kinh tế số TP. Hồ chí minh: Nỗ lực hướng tới đô thị thông minh và bền vững

27 tháng 04 năm 2024

Ngày 26/04/2024, Sở Thông tin – Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp cùng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Hội thảo Nghiên cứu Phát triển Kinh tế số TP. Hồ Chí Minh”. Hội thảo là một phần quan trọng của đề án Nghiên cứu Phát triển Kinh tế số TP. Hồ Chí Minh, với mục tiêu đề xuất các giải pháp cụ thể phát triển Kinh tế số - một xu hướng phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo

Ngay lúc này, công nghệ số đã và đang trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, và xã hội. Kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, và sắp tới là kỷ nguyên của trí tuệ AI hơn bao giờ hết mở ra một thế giới của các sản phẩm thông minh, hệ thống và dịch vụ linh hoạt, và hơn hết là nơi đô thị thông minh và bền vững trở thành một xu hướng phát triển không thể tránh khỏi. Trong đó, Kinh tế số và tổng hợp mô hình kinh tế của nó sẽ là một yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng của Việt Nam trong những thập niên tới, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, một thị trường Kinh tế số được đánh giá là đầy triển vọng và sôi động.

Hiểu rõ về tầm quan trọng trên, Sở Thông tin – Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì thực hiện đề án “Nghiên cứu Giải pháp Phát triển Kinh tế số TP. Hồ Chí Minh”, với Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị phối hợp thực hiện. Trong đó, Hội thảo về “Nghiên cứu Giải pháp Phát triển Kinh tế số TP. Hồ Chí Minh” là một phần trong quá trình thực hiện đề án, với mục tiêu đưa ra những chia sẻ đến từ chuyên gia, nhóm nghiên cứu về bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện và đánh giá kinh tế số tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Hàn Quốc. Từ đó, hội thảo mang đến các đề xuất phương pháp thu thập dữ liệu, phân tích & đánh giá kinh tế số phù hợp với điều kiện sẵn có của TP.HCM.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của Ông Trần Phước Tường - Phó cục trưởng Cục Thống kê TP. HCM, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội tin học Thành phố, Ông Nguyễn Minh Tùng - Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động và Thương binh xã hội, TS. Jaeuk Ju - Chuyên gia Kinh tế Viện Seoul cùng đại diện ủy ban nhân dân, sở, ban ngành, các doanh nghiệp cùng các trường Đại học khác. Về phía Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, sự kiện có sự hiện diện của GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH, PGS.TS. Bùi Quang Hùng - Phó giám đốc UEH, PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược và chính sách UEH, kiêm Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo, cùng Quý thầy cô ban lãnh đạo và các giảng viên, viên chức, nhà nghiên cứu đến từ các trường thành viên của UEH.

GS.TS. Sử Đình Thành phát biểu khai mạc

Từ hiểu về kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở quốc tế…

Xuyên suốt hội thảo, Đội ngũ nghiên cứu từ Viện Đô thị Thông minh và Quản lý (UEH – ISCM) và các chuyên gia đã tiến hành trình bày và phân tích các yếu tố để đưa ra một mô hình kinh tế số phù hợp với không chỉ xu hướng toàn cầu, mà còn là với thực trạng hiện tại của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, đội ngũ nghiên cứu đã đưa ra góc nhìn và quan điểm về kinh tế số đến từ phát triển đô thị thông minh, bao gồm các thành phần, hệ sinh thái kinh tế số, chiến lược phát triển,… và đặc biệt là ảnh hưởng của một cộng đồng đồng sáng tạo (co-creation platform) - yếu tố hứa hẹn sẽ có sức ảnh hưởng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế số.

TS. Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị Thông minh và Quản lý trình bày nghiên cứu của nhóm chuyên gia

Không chỉ đề cập đến các khái niệm cũng như mô hình trên lý thuyết, nhóm chuyên gia chia sẻ về cách tiếp cận thông qua đo lường đánh giá kinh tế số - tổ chức kinh tế với ba tiêu chí (DESI, ADB, OECD) đang được ứng dụng bởi các quốc gia EU, Châu Á, hay các quốc gia thuộc khối OECD và các quốc gia đối tác. Thông qua đó, nhóm nghiên cứu tiến hành so sánh và chỉ ra các đặc điểm phù hợp, không phù hợp với tình hình kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, nhằm đưa ra góc nhìn thực tế nhất, hội thảo đã có sự tham gia của TS. Jaeuk Ju. Tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Cornell (Mỹ), TS. Jaeuk Ju đã có kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới công nghệ, công nghiệp mới. Ông hiện đang công tác tại Viện Seoul, cơ quan tư vấn và nghiên cứu chính sách cho chính quyền thủ đô Seoul từ năm 1992, với các kế hoạch hỗ trợ phát triển lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, nhà ở, giao thông, v.v.

Tham dự chương trình, TS. Jaeuk Ju đã có phần trình bài liên quan đến Quy trình thực hiện và đánh giá kinh tế số: bài học kinh nghiệm tại Seoul, Hàn Quốc. Đã từng tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của chính quyền thành phố bằng cách thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, hợp tác với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước và các bên liên quan tạo nền tảng cho việc đề xuất các chính sách kinh tế hiệu quả cho thành phố Seoul, TS. Jaeuk Ju đề cập các phương pháp, mô hình phân tích và đánh giá kinh tế số đã được ứng dụng trực tiếp tại Seoul, từ đó rút ra các hướng hiệu quả cho đề án.

Dr. Jaeuk Ju trình bày kinh nghiệm của mình tại hội thảo

… Đến đề xuất phù hợp với thực trạng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tổng hòa các nghiên cứu và kinh nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đưa ra các đề xuất về phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Đây là các giải pháp về phương pháp thu thập dữ liệu, phân tích và đánh giá kinh tế số cho Thành phố Hồ Chí Minh. Các giải pháp này không chỉ hiện đại, hiệu quả, và ứng dụng triệt để công nghệ, mà còn đảm bảo được tính địa phương của đô thị ven sông Sài Gòn. Các đề xuất này sau đó đã được thảo luận, góp ý từ chính các quý đại biểu, khách mời tham dự chương trình.

Khách mời góp ý cho các đề xuất đã trình bày

Từ hiểu về xu hướng quốc tế, đến nghiên cứu thực trạng để đảm bảo tính thực tế của giải pháp đưa ra, các phương hướng do đội ngũ nghiên cứu của ISCM và các chuyên gia đưa ra chính là minh chứng cho “tư duy toàn cầu, hành động địa phương” mà Viện Đô thị Thông minh và Quản lý luôn hướng tới. Hội thảo không chỉ là bước tiếp vô cùng quan trọng cho “Đề án nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế số” tại TP. Hồ Chí Minh, mà còn là lời khẳng định cho hành trình đa ngành và bền vững của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - một hành trình hướng tới trang bị những tư duy bền vững, hành động bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tin, ảnh: Viện Đô thị thông minh và quản lý, Phòng Marketing - Truyền thông

Cơ quan báo chí đưa tin:

1. Báo Sài Gòn giải phóng: TPHCM tìm phương pháp đo lường quá trình phát triển của kinh tế số

2. Báo Pháp luật: Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM: Kinh tế số giúp doanh nghiệp, đời sống người dân tốt hơn

3. Báo Thanh niên: TP.HCM sẽ có trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam để thúc đẩy kinh tế số

4. Báo Phụ nữ: TPHCM xác định 7 lĩnh vực chuyên sâu để phát triển kinh tế số

Chia sẻ