Làm sao để yêu đúng? Khám phá những từ ngữ tình yêu của gen Z

28 tháng 02 năm 2024

Người ta thường bảo tình yêu là thuộc về cảm xúc, mà cảm xúc thì mấy ai đánh giá được đúng sai? Thế nhưng có thật là như thế? Hôm nay DSA sẽ tìm hiểu góc nhìn tình yêu từ gen Z, không chỉ về những khái niệm mới lạ mà còn là suy nghĩ, thái độ trong tình yêu. Và rồi, hãy cùng DSA đi theo “ánh sáng” này để tìm được lối đi đúng trên hành trình đầy “ngọt ngào” này nhé!

Nguồn: Pinterest

Tình yêu của gen Z có gì khác so với các thế hệ trước?

  • Mạnh dạn thể hiện cảm xúc

Sống trong thời đại mạng xã hội phát triển đã phần nào giúp gen Z không ngần ngại thể hiện bản thân. Chỉ với vài thao tác đơn giản, người trẻ hiện nay có thể kết nối với bất kỳ ai dù ở xa đến đâu, dễ dàng lưu giữ những hình ảnh và thước phim kỷ niệm, cũng có thể đăng tải lên mạng để chia sẻ về tình yêu của mình.

  • Sự kết nối dễ dàng

Có thể thấy, mạng xã hội như Facebook, Instagram, các ứng dụng hẹn hò, video call hay tin nhắn điện thoại mà gen Z đã quen thuộc từ nhỏ giúp họ yêu đương dễ hơn các thế hệ trước rất nhiều. Với sự phát triển của công nghệ, khoảng cách địa lý hay thậm chí là khác biệt về văn hóa đã không còn là trở ngại quá lớn trong tình yêu của gen Z.

Các ứng dụng hẹn hò ngày càng trở nên phổ biến (Nguồn: Pinterest)

  • Tình yêu gen Z: đánh nhanh thắng nhanh?

Mạnh dạn thể hiện tình cảm nên có thể thấy gen Z thường tìm được tình yêu sớm hơn so với các thế hệ khác. Tuy nhiên, theo Tạp chí tri thức, đối với các đôi trẻ gen Z, việc chia tay, từ bỏ mối quan hệ cũng xảy ra nhiều hơn. Thế hệ Z cũng được biết đến là lớp người độc lập, mạnh mẽ, vì thế thay vì lựa chọn chịu đựng, họ không ngại kết thúc nếu mối quan hệ không còn mang lại niềm vui hay sự thỏa mãn.

  • Tự chủ tài chính trước khi tiến vào hôn nhân

Trái ngược với việc bước vào mối quan hệ hẹn hò nhanh chóng, gen Z có xu hướng kết hôn khá muộn. Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, độ tuổi kết hôn đang có chiều hướng tăng lên. Thế hệ trẻ cho rằng sự độc lập về tài chính là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định hôn nhân có hạnh phúc hay không. Vì thế, trước khi “thành gia lập thất”, các bạn trẻ ngày nay ưu tiên việc ổn định sự nghiệp để có thể có trách nhiệm hơn với gia đình của mình trong tương lai.

  • Xu hướng tình yêu rộng mở

Sự hòa nhập đa văn hóa trong thời đại gen Z lớn lên đã giúp họ có tư tưởng hiện đại hơn so với thế hệ trước. Tình yêu đồng giới, kết hôn đồng giới, tình yêu khác màu da và văn hóa… dần trở nên phổ biến và được thế hệ trẻ hết sức ủng hộ.

  • Độc thân - Không phải “Ế”

Một số gen Z đã bước vào tuổi “bị giục cưới”. Thế nhưng, khác với các thế hệ trước, gen Z không ngại khi bản thân vẫn chưa tìm được bạn đời, thậm chí còn tận hưởng niềm vui của một cuộc sống độc thân. Cũng theo Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, thế hệ trẻ có xu hướng không còn háo hức với hôn nhân, cũng như không còn áp lực đối với việc kết hôn nữa. Vì thế, một trong những suy nghĩ đang dần phổ biến ở gen Z cho rằng nếu bản thân chưa sẵn sàng lập gia đình thì sẽ không vội vã tìm một người chỉ để thỏa mãn nguyện vọng của phụ huynh.

Cuốn sách “Độc thân không phải là ế” giúp bạn “tận hưởng” cuộc sống độc thân (Nguồn: YBOX)

Vậy sinh viên nên làm thế nào để yêu đúng?

Nếu đã quyết định sẽ tìm được người thương trong những đại học, sinh viên hãy bỏ túi ngay những “bí kíp” dưới đây để bảo vệ trái tim an toàn mà vẫn có được tình yêu tích cực, cùng nhau tiến bộ nhé!

  1. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.

Năng lực “bắt sóng” bản thân là điều đầu tiên bạn nên luyện tập nếu muốn có được một tình yêu lâu dài và lành mạnh. Hãy tự đặt câu hỏi “Mình muốn một tình yêu như thế nào?” trước khi tìm kiếm người ấy bạn nhé, vì việc hiểu về cảm xúc cũng như mong muốn của bản thân sẽ giúp bạn tìm được một người đồng hành phù hợp và cùng nhau xây dựng một mối quan hệ vững chắc.

Ngoài ra, việc hiểu đối phương cũng quan trọng không kém. Hãy “nháy đèn xanh” trước cho người ấy và lắng nghe tâm sự của đối phương về tình yêu mà họ mong muốn, từ đó hai bạn có thể thống nhất với nhau và cùng nhau tạo nên một tình yêu bền vững. Vậy mới nói, móng nhà là phần quan trọng nhất khi xây dựng một công trình đấy!

  1. Cẩn thận với những đối tượng lừa đảo tình yêu.

Đây đây, lấy tập vở ra và ghi lại một từ vựng mới nữa nào! “Catfishing” là thuật ngữ được sử dụng khi tội phạm công nghệ cao (cybercriminal) tạo ra danh tính giả trên mạng để lừa đảo hoặc đánh cắp danh tính của nạn nhân, theo VietnamBiz. Trong thời đại mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò phát triển, chúng ta sẽ không thể biết được người đang trò chuyện với chúng ta phía sau màn hình là người bạn đời đích thực hay một “catfishing” đang thả mồi để “câu” bạn. Tương tự, việc hình thức hẹn hò qua mạng trở nên phổ biến cũng khiến cho việc bị “ghost” hay “trap” dễ xảy ra hơn bao giờ hết. Vì vậy, hãy luôn tìm hiểu thông tin của đối phương kỹ lưỡng để tránh trao nhầm con tim bạn nhé!

Bạn không biết được phía sau màn hình là người như thế nào (Nguồn: Unsplash)

  1. Đừng vội vàng, hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên.

Theo Vinmec, Hội chứng tâm lý FOMO (Fear of missing out) được hiểu như một nỗi sợ hãi mà bản thân bỏ lỡ những điều thú vị hoặc hấp dẫn trong cuộc sống mà người khác được trải nghiệm điều đó. Một trong những điều thú vị đó là tình yêu, khi mà một người bị FOMO có thể hẹn hò với ai đó chỉ vì “bạn bè ai cũng có người yêu” và không muốn mãi làm “bóng đèn” trong câu chuyện tình yêu của người khác. Điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe tinh thần của cả bạn và đối phương. Vì tình yêu cần đến từ hai phía và được xây nên từ những rung động, cảm xúc chân thật, thế nên nếu bạn “xuống tay” mà không cân nhắc kỹ, tình yêu này sẽ như một thứ thuốc độc bào mòn tinh thần cũng như tiêu tốn thời gian của cả hai.

  1. Đặt lý trí ngang hàng với cảm xúc.

Khi yêu tức là bạn đang tìm kiếm sự đồng điệu về tâm hồn của đối phương, bởi điều đó khiến bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Sẽ có những lúc cãi vã vì những khác biệt nhưng nếu không quá lớn, mọi thứ vẫn sẽ suôn sẻ nếu mỗi người đều nhường nhịn một ít để “chữa lành” cho đối phương.

Nếu tình yêu của bạn mang dấu hiệu tích cực cho thấy bạn đã “hạ cánh an toàn”, là một “green flag” thực thụ, bạn sẽ luôn cảm thấy an toàn, được tôn trọng và thoải mái chia sẻ cảm xúc khi ở cạnh đối phương. Bên cạnh đó, nếu cả hai đều cùng tiến bộ mỗi ngày thì không còn gì rõ ràng hơn nữa, hãy nắm chắc lấy tình yêu này bạn nhé!

Ngược lại, nếu trong tình yêu bạn bị kiểm soát và thao túng, bị lạm dụng, bị xúc phạm, bị phản bội hoặc bất cứ gì gây tổn thương cho bạn, thì hãy nhanh chóng từ bỏ tình yêu “red flag” này! Thế nhưng chúng ta cũng nên nhớ không có tình yêu nào là hoàn hảo cả, nếu xuất hiện “red flag” nhưng cả hai cùng ra sức giải quyết và hướng đến sự thay đổi tích cực thì vẫn còn cơ hội cho một chữ “tiếp tục”. Vì vậy, hãy chỉ từ bỏ sau khi đã cố gắng nhé!

  1. Chia tay văn minh

Nếu mối quan hệ đã đi đến hồi kết, hãy rời xa nhau theo “phong cách” hiện đại, văn minh sinh viên nhé! Chia tay văn minh không chỉ giúp bạn kết thúc mối quan hệ một cách êm đẹp mà còn thể hiện sự trưởng thành và trách nhiệm của bạn. Có rất nhiều cách để chia tay trong hòa bình như: chọn thời điểm và địa điểm phù hợp, tránh việc chia tay qua tin nhắn; thẳng thắn trình bày lý do; thể hiện sự tôn trọng và giữ thái độ bình tĩnh; giải quyết các vấn đề còn lại… Bất kỳ mối quan hệ nào xuất hiện đều để lại một màu sắc trong cuộc đời bạn, vì vậy hãy trân trọng từng mối quan hệ bạn đã có được để nụ cười luôn ở trên môi bạn nhé!

Chia tay trong hòa bình sẽ giúp bạn cảm thấy thanh nhàn và vui vẻ (Nguồn: Unsplash)

Tình yêu thời sinh viên chỉ đẹp và đáng nhớ khi yêu đúng cách. Trên hết, lứa tuổi sinh viên là đã đủ để các bạn có thể nhận thức đúng sai và sẵn sàng chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân. Vì vậy, với những chia sẻ trên đây, DSA mong rằng các bạn sẽ có những trải nghiệm đẹp đẽ và ngọt ngào trong những năm đại học nhé!

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Tài liệu tham khảo

Bích Huyền. (2020). Vấn đề sống thử trong sinh viên, nên hay không?. Edu2Review.

https://edu2review.com/news/giai-tri/van-de-song-thu-trong-sinh-vien-3429.html

Bùi Thu Huệ. “Sống Thử - Nên Hay Không?”. YBOX.

https://ybox.vn/triet-hoc-tuoi-tre/song-thu-nen-hay-khong-6186dd7295ce89206c987126

Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. (2023). Gen Z với xu hướng kết hôn muộn.

https://hanoionline.vn/gen-z-voi-xu-huong-ket-hon-muon-176576.htm

Hồng Phượng. (2023). Cập nhật "từ điển tình yêu" mới của thế hệ gen Z. Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

https://voh.com.vn/doi-song/cap-nhat-tu-dien-tinh-yeu-moi-cua-the-he-gen-z-btv056-468789.html

Keira Ngo. (2021). Bất đồng về tư tưởng trong tình yêu và cách yêu của Gen Z. Báo điện tử Dân trí.

https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/bat-dong-ve-tu-tuong-trong-tinh-yeu-va-cach-yeu-cua-gen-z-20210928203520307.htm

Talentbold. (2023). Gen Z và những thay đổi trong xu hướng tình yêu.

https://talentbold.com/xu-huong-tinh-yeu-1701-ns

Thục Hạnh, Trang Minh. (2022). Gen Z quen nhanh, bỏ vội?. Tạp chí Tri thức.

https://zingnews.vn/gen-z-quen-nhanh-bo-voi-post1308651.html

Chia sẻ