Hội thảo trực tuyến Văn hóa, sự gắn kết và cộng đồng dân sự: Cách thức những thành phố thông minh được xây dựng từ những thành tựu tốt nhất của quá khứ

08 tháng 01 năm 2021

Ngày 21/12/2020, tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), Viện Đô thị thông minh và Quản lý đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Văn hóa, sự gắn kết và xã hội thuộc về công dân: Cách thức những thành phố thông minh được xây dựng từ thành tựu tốt nhất của quá khứ”. Hội thảo trực tuyến nằm trong khuôn khổ chương trình SMARTCITY+ và Chuỗi sự kiện 2021 của Viện Đô thị thông minh và Quản lý.

Hội thảo có sự tham gia của TS. Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và Quản lý, TS. Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat), TS. Vũ Chí Kiên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc, Sở Quy hoạch Kiến trúc Đô thị TP.HCM, TS. Juhyun Lee - Khoa Quy hoạch & Môi trường Khoa học Không gian, Đại học Groningen, TS. Julia Babcock - Quản trị viên Chương trình - Trung tâm Đồng thuận Chính sách Quốc gia, Đại học Bang Portland; TS. Phạm Thái Sơn - Chương trình Thạc sĩ Phát triển đô thị bền vững (SUD), Đại học Việt Đức (VGU).

Hội thảo trực tuyến tìm hiểu cách thức bảo tồn các tài sản văn hóa xã hội lịch sử - nền tảng cho sự gắn kết xã hội thành công. Nội dung Hội thảo xoay quanh: cách thức để các thành phố thông minh tận dụng được sự đa dạng, hội nhập khi ứng dụng công nghệ, vai trò của khu vực nhà nước và tư nhân trong việc tạo ra “quy trình và văn hóa thông minh”, minh họa cụ thể ở các thành phố: TP.HCM, Hà Nội (Việt Nam), Amsterdam (Hà Lan) và Portland (Hoa Kỳ), thông qua kinh nghiệm được chia sẻ từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) chia sẻ chủ đề Tái tạo đô thị: Hướng tới thành phố thủ đô sáng tạoTheo TS. Quang, phát triển Hà Nội trở thành “Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á” được coi là tầm nhìn mới, giúp tăng cường mức độ nhận biết, quảng bá văn hóa và nghệ thuật của Việt Nam trên toàn thế giới; là chất xúc tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển du lịch, thương mại. Trong đó, các dự án cơ sở hạ tầng văn hóa và tái tạo đô thị sẽ giúp quảng bá kiến trúc, thiết kế và các nghề thủ công truyền thống của Việt Nam ra thế giới, chẳng hạn như “Khu nghệ thuật Hà Nội”, “Thành phố thông minh Đông Anh” và “Trung tâm Triển lãm Quốc gia sẽ góp phần cải thiện đáng kể vị thế và danh tiếng của Hà Nội là “Thành phố toàn cầu”, “Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á”. Tiến sĩ cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc sử dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) làm thành phần cốt lõi cho quy hoạch và quản lý đô thị. Ngoài ra, tái tạo và kết nối các không gian đô thị cũng được đề xuất trong quá trình phát triển thành phố thủ đô sáng tạo.

TS. Vũ Chí Kiên - Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc, Sở Quy hoạch Kiến trúc Đô thị TP.HCM tiếp nối chương trình với tham luận Thành phố thông minh TP.HCM trong tương lai: Thách thức và giải pháp. Theo Quyết định số 6179 / QĐ-UBND, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành Thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với 4 chỉ tiêu (đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phát triển theo hướng kinh tế tri thức và kinh tế số, hiệu quả quản lý đô thị dựa trên công nghệ dự báo chiến lược, cải thiện môi trường sống và làm việc, nâng cao sự tham gia của người dân vào quản lý đô thị). TS. Kiên cũng nêu bật 04 trụ cột và 09 nhóm giải pháp về: Cải cách hành chính, Giao thông, Môi trường, Chống ngập đô thị, Nguồn nhân lực, Cải tạo đô thị, Y tế, An toàn thực phẩm và An ninh để đạt được mục tiêu trên. Theo ông, TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sức ép của đô thị hóa và các vấn đề mới nổi, hiệu quả của đầu tư công, năng lực nguồn nhân lực CNTT & TT kém với xuất phát điểm thấp. Để giải quyết những thách thức này, các giải pháp cần được thực hiện là: phát triển khu đổi mới có tính tương tác cao, tập trung xây dựng dữ liệu, đầu tư vào nguồn nhân lực CNTT-TT trong các cơ quan công quyền và tạo ra sự kết hợp giữa phát triển từ dưới lên và từ trên xuống.

Sau TP.HCM, TS. Juhyun Lee - Khoa Quy hoạch & Môi trường Khoa học Không gian, Đại học Groningen đã chia sẻ về kinh nghiệm của thành phố Amsterdam, chủ đề: Chuyển đổi đô thị toàn diện thông qua các sáng kiến thông minh: Trường hợp của AmsterdamThành phố thông minh không chỉ tạo ra sản phẩm mới mà còn là thúc đẩy chuyển đổi toàn diện và bền vững. Các đặc điểm của phương pháp tiếp cận thông minh bao gồm: dựa trên mạng lưới kết nối, tự nhiên, chậm và chuyển đổi đa cấp. Tác giả đã lý giải các đặc điểm này bằng việc phân tích trường hợp của thành phố Amsterdam.

Tiếp tục trình bày tại tọa đàm là tham luận Thành phố thông minh PDX: Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số của TS. Julia Babcock - Quản lý Chương trình - Trung tâm Đồng thuận Chính sách Quốc gia, Đại học Bang Portland. Thành phố thông minh PDX đang hợp tác với cộng đồng Portland để biến thành phố này trở thành nơi dữ liệu và công nghệ được sử dụng để cải thiện cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở những cộng đồng chưa được phục vụ. Đại dịch COVID-19 đã làm tăng sự phụ thuộc của người dân vào công nghệ. Dự án thí điểm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số nhằm cung cấp 3.500 đến 5.000 bộ công nghệ (thiết bị, Internet, đào tạo) cho cộng đồng và thiết lập một mô hình mới để phân phối thiết bị cho người khuyết tật như: Ứng dụng đậu xe Kitty, Bảng điều khiển các chuyến đi xe tay ga điện tử.

Hội thảo đã trao đổi nhiều vấn đề chuyên sâu, đưa ra nhiều giải pháp mang hàm ý chính sách giúp bảo tồn các tài sản văn hóa xã hội lịch sử, là nền tảng cho sự gắn kết xã hội thành công hướng tới xây dựng đô thị thông minh.

Một số hình ảnh tại Hội thảo trực tuyến:

Tin, ảnh: Viện Đô thị thông minh và Quản lý, Phòng Marketing - Truyền thông.

Chia sẻ