Ready For Next - SUDOC 2022: Toàn cảnh Hội thảo “Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và Thách thức”

14 tháng 12 năm 2022

Nằm trong chuỗi hoạt động chuyển đổi về sự bền vững Ready For Next của Đại học Kinh Tế TP. HCM (UEH), trong hai ngày liên tiếp 8 - 9/12/2022, Hội thảo quốc tế “Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và Thách thức” (Sustainable University Development: Opportunity and Challenge – SUDOC 2022) đã quy tụ sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các tổ chức giáo dục, cơ quan nhà nước, đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước, với nhiều hoạt động nổi bật. Nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận trên góc độ học thuật cũng như thực hành từ mô hình đại học bền vững, vận hành đại học xanh, chức năng đào tạo, nghiên cứu trong đại học bền vững,… đến xây dựng một diễn đàn bền vững dành cho các đại học tại các nước đang phát triển, thảo luận về bài học kinh nghiệm và tiêu chí của mô hình Zero waste school đã và đang triển khai trên cả nước. Đây được xem là hội thảo đầu tiên, đóng góp tri thức cho phát triển bền vững đa lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam.

8 phiên chia sẻ và thảo luận các nghiên cứu học thuật giữa các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; 01 diễn đàn quốc tế về phát triển bền vững được ra mắt đến cộng đồng các đại học tại Việt Nam và các nước trong khu vực; 02 phiên thảo luận đặc biệt về mô hình đại học bền vững và Zero Waste School đã diễn ra trong hai ngày liên tiếp, thuộc Hội thảo “Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và Thách thức” lần thứ nhất (SUDOC 2022).

Nhiều “lần đầu tiên” đã được diễn ra khi nhắc đến hội thảo SUDOC 2022, phải kể đến như: Lần đầu tiên có một hội thảo về đại học bền vững tại Việt Nam; lần đầu tiên một diễn đàn về đại học bền vững được ra mắt; lần đầu tiên các vấn đề về mô hình đại học bền vững, mô hình vận hành xanh, giáo dục công dân toàn cầu hành động vì sự phát triển bền vững, nghiên cứu hướng đến sự bền vững, và kết nối cộng đồng hành động vì sự phát triển trở thành các chủ đề thảo luận giữa cộng đồng học thuật Việt Nam và quốc tế. Với sự mới mẻ đó, hội thảo nhận được sự hưởng ứng và tham gia từ những cá nhân, tổ chức, các bên liên quan thực sự quan tâm và tâm huyết về sự phát triển bền vững của Việt Nam và toàn cầu, tạo niềm tin vững chắc cho những hội thảo thường niên kế tiếp trong tương lai.

8 phiên chia sẻ và thảo luận các nghiên cứu học thuật giữa các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước

Trong khuôn khổ SUDOC 2022, các phiên học thuật đã diễn ra liên tục, song song, trình bày và trao đổi hơn 30 công trình nghiên cứu khoa học với sự góp mặt của gần 100 nhà nghiên cứu, nhà khoa học là các nhóm tác giả đến từ nhiều đại học khác nhau trong và ngoài nước, dưới sự chủ trì của các Giáo sư đầu ngành tại UEH và các trường quốc tế. Cụ thể:

● Các nghiên cứu khoa học vì sự phát triển bền vững (Scientific Research in Universities for Sustainable Development) dưới sự chủ trì của GS. Sử Đình Thành – Hiệu trưởng UEH;

● Các tiếp cận về mô hình Đại học bền vững (Sustainable University Models - How to approach) dưới sự chủ trì của GS. Nguyễn Trọng Hoài – Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (JABES); 

● Vận hành Xanh – Kinh nghiệm và giải pháp (Green Operation - Experiences and Solutions) dưới sự chủ trì của GS. Young Sang Kwon, Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc);

● Giáo dục thế hệ người học với năng lực học tập suốt đời, hành động vì sự phát triển bền vững (Educating Generations of Learners With Abilities of Lifelong Learning, Acting as The Host of Sustainable Development), dưới sự chủ trì của TS. Arnaud Grignard – Viện đại học Công nghệ Massachusetts MIT (Hoa Kỳ);

● Yếu tố cộng đồng trong phát triển đại học bền vững (“Community” in Sustainable University Development) dưới sự chủ trì của GS. Ilaria Garofolo, Đại học Trieste, Italy.

Chia sẻ về các phiên thảo luận học thuật, GS.TS. Sử Đình Thành cho biết: “Tôi đánh giá cao nỗ lực của Quý thầy cô, nhà nghiên cứu khi đã mạnh dạn tiếp cận những đề tài rất mới mẻ xoanh quanh vấn đề phát triển bền vững. Tính đa dạng giữa các nghiên cứu khác nhau trong phiên thảo luận cho chúng ta một cái nhìn rộng mở của nhóm nội dung này khi còn rất nhiều điểm có thể khai phá, phát triển nghiên cứu chuyên sâu. Tôi rất mong có thể gặp lại quý vị ở SUDOC lần 2 vào năm 2023, với những công trình nghiên cứu tiếp theo”.

Các phiên chia sẻ và thảo luận nghiên cứu học thuật giữa các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước

Các phiên trình bày đặc biệt của các diễn giả đặc biệt

Bên cạnh các buổi trao đổi học thuât, hội thảo SUDOC 2022 vinh dự nhận được sự tham gia của các diễn giả đặc biệt với các chủ đề chia sẻ chuyên sâu về các vấn đề xoay quanh sự bền vững của một đại học, một khu vực, một quốc gia theo cách tiếp cận của những chuyên gia đầu ngành.

Điển hình là chia sẻ ấn tượng của Nguyên thủ tướng Hàn Quốc TS. Chung Un_Chan mở đầu chuỗi tham luận khoa học tại buổi lễ ra mắt Chuỗi sự kiện Ready for Next 2022, với chủ đề “Hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam: Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc” diễn ra vào 14h00 ngày 08/12 vừa qua. “Năm 1962, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chưa đến 100 đô la Mỹ. Hơn 40% dân số cả nước phải chịu cảnh nghèo đói và dường như không có lối thoát. Nhưng hiện nay Hàn Quốc là một trong 7 quốc gia trên thế giới có dân số lớn hơn 50 triệu người, đồng thời GDP bình quân đầu người cao hơn 30 nghìn USD. Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên và duy nhất chuyển từ một quốc gia nhận viện trợ nước ngoài sang một quốc gia tài trợ trong lịch sử thế giới. Một số người gọi thành tích này là “Kỳ tích Hàn Quốc”.[…]. Tôi muốn nhấn mạnh rằng giải pháp có thể tóm gọn là: Tăng trưởng chia sẻ (Shared Growth). Tôi đề xuất Việt Nam nên ghi nhớ Tăng trưởng chia sẻ vì thứ nhất, vòng luẩn quẩn “giàu càng giàu, nghèo càng nghèo” cực kỳ khó phá vỡ sau khi nền kinh tế đất nước phát triển; và thứ hai, Tăng trưởng chia sẻ sẽ giúp Việt Nam tìm ra một mô hình bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế” – Trích bài chia sẻ của TS. Chung Un_Chan.

Nguyên thủ tướng Hàn Quốc TS. Chung Un_Chan chia sẻ

Liên tục là phiên trao đổi đặc biệt của Ba hiệu trưởng các đại học tốp đầu Châu Á bao gồm: TS. Dosoung Philip Choi - Hiệu trưởng Đại học Handong Global (Hàn Quốc), TS. Jong Heon Kim - Hiệu trưởng Đai học Kwangwoon (Hàn Quốc) và GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) đã thảo luận cách tiếp cận và thúc đẩy mô hình phát triển bền vững tại các Đại học. “Các xu hướng đào tạo ứng dụng công nghệ mới trong kỉ nguyên 4.0 đóng góp tích cực đến hành trình học tập suốt đời của mỗi cá nhân và hiện thực hóa hành trình trở thành công dân toàn cầu khi cho phép học tập mọi lúc, mọi nơi, vượt qua các rào cản về không gian và thời gian như: problem base learning, project base learning, flipped leanrning, peer tutoring, adaptive learning” – TS. Dosoung Philip Choi chia sẻ.

Bên cạnh đó, là các phiên chia sẻ của GS. Nam-Joon Cho, Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) về Vai trò của Nghiên cứu trong sự phát triển bền vững của các đại học (The role of Research in Sustainable University Development); GS. Iiaria Garofolo, Đại học Trieste (Ý) về Cam kết của các Đại học trong sự phát triển bền vững của quốc gia và trách nhiệm cộng đồng (Universities Commitment for Territorial Sustainable Development and Responsible Communities); và TS. Arnaud Grignard, Viện đại học công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) về A city Science Perspective for Hyper-local Solutions to Global challenges.

GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) chia sẻ

TS. Dosoung Philip Choi - Hiệu trưởng Đại học Handong Global (Hàn Quốc) chia sẻ

TS. Jong Heon Kim - Hiệu trưởng Đai học Kwangwoon (Hàn Quốc) chia sẻ

Ra mắt Diễn đàn quốc tế về Phát triển bền vững dành cho các đại học “International Forum On Sustainability - IFS”

Với các chức năng truyền thống cốt lõi như Đào tạo, Nghiên cứu và các chức năng tổng quát như Quản trị, Vận hành, Kết nối cộng đồng, “Làm thế nào để các Đại học truyền thống tích hợp yếu tố bền vững một cách hài hòa, hợp lý” là câu hỏi quan trọng được đặt ra. Đó chính là động lực để Diễn đàn quốc tế về Phát triển Bền vững “International Forum on Sustainability - IFS” ra đời nhằm hỗ trợ cho các Đại học đã và đang trong quá trình chuyển đổi bền vững tại Việt Nam và quốc tế, đặc biệt là các nước đang phát triển. Sự kiện ra mắt diễn đàn IFS diễn ra vào sáng ngày 08/12/2022 nhận được sự quan tâm tham dự của rất nhiều trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại sự kiện Ban cố vấn, Ban điều hành Diễn đàn là những chuyên gia nổi tiếng và các đại học hàng đầu về phát triển bền vững đã chính thức ra mắt.

Diễn đàn IFS sẽ thực hiện 03 chức năng chính gồm: (1) Chương trình hỗ trợ: Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, thảo luận, khóa học ngắn hạn dành về “Giáo dục bền vững, vận hành và quản trị trong trường đại học lấy con người làm trung tâm”; (2) Nghiên cứu và Phát triển: Xây dựng hướng dẫn/chỉ số bền vững/hiệu suất để hướng dẫn và giúp đỡ các trường đại học của các quốc gia đang phát triển hành động/đo lường về tính bền vững; Thực hiện R&D tích hợp các chủ đề bền vững để giải quyết các vấn đề của tổ chức/xã hội. (3) Chia sẻ kiến ​​thức: Thu thập, trưng bày và giới thiệu các chương trình phát triển bền vững thành công; Xây dựng, phát triển dữ liệu mở IFS về phát triển bền vững, nơi các bên có thể chia sẻ, tham khảo, trao đổi kinh nghiệm về các hoạt động phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, diễn đàn sẽ thực hiện kế hoạch phát triển toàn diện với các hoạt động như: Ra mắt diễn đàn (2022); Phát triển Mạng lưới các trường đại học bền vững tại Việt Nam và các nước đang phát triển thông qua các chương trình hội thảo, tọa đàm (2023); Thực hiện các chương trình hỗ trợ, đào tạo học viên để hướng tới Đại học bền vững (2024); Xây dựng các chỉ số bền vững cho trường đại học, thực hiện nghiên cứu và phát triển (2025).

Sự kiện ra mắt Diễn đàn quốc tế về Phát triển bền vững dành cho các đại học “International Forum On Sustainability - IFS” sáng ngày 8/12/2022

Sự kiện Zero Waste School Festival lần thứ 2: Quy tụ 70 đại diện từ các trường học các cấp trên toàn quốc

Giáo dục nói chung và trường học nói riêng đóng vai trò gốc rễ, quan trọng, gắn liền trực tiếp đến việc định hình, thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của thế hệ trẻ. Đây cũng là thế hệ chiếm đa số của cộng đồng, có thể kết nối với nhau, xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Chính vì vậy, việc trao quyền cho các thế hệ này hành động bền vững là điều quan trọng hiện nay. Đây cũng là một điểm mấu chốt để các tổ chức và cơ sở giáo dục đồng hành cùng nhau và xây dựng nên câu chuyện Zero Waste.

Với sứ mệnh đó, Liên minh Zero Waste Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance) đã phối hợp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE), Mạng lưới trường học không rác (Zhub and more), Công ty TNHH Xã hội Môi trường Nhân đạo (Refill) tổ chức sự kiện Zero Waste School Festival năm 2022. Đây là diễn đàn thường niên kết nối các trường học tại Việt Nam sự quan tâm đến việc giảm thiểu rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng đồng thời hướng tới xây dựng mô hình Zero Waste. Sự kiện nêu bật được những mô hình Zero Waste tiêu biểu tại Việt Nam và quốc tế thông qua sự chia sẻ của đại diện trường TH, THCS, THPT Thực Nghiệm Hà Nội, Trường Tiểu học Hòa Phú Đà Nẵng, Tổ chức BFFP, chị Kiều Thị Kính - Đại diện Trung tâm về Thúc đẩy sự Bền vững Đà Nẵng BUS, tổ chức CAB, tổ chức Zhub and More, INSEE Ecocycle. Từ cơ sở đó, Vietnam Zero Waste Alliance cũng thảo luận đề xuất các lộ trình xây dựng Zero Waste School.

Sự kiện có sự tham gia Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện đến từ các đơn vị cung cấp giải pháp như Greenhub, Live and Learn, CAB, BUS, WWF, WasteAid, Veca, Recycle One, InSee, Vietcycle,TBC Ball,... Và nhận được hưởng ứng của hơn 70 Thầy/Cô trường tiểu học, trường trung học cơ sở và đại học từ Hà Giang, Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, TP.HCM, Kiên Giang Thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp. Bà Quách Thị Xuân – Điều phối viên Vietnam Zero Waste Alliance phát biểu: “Xây dựng Zero Waste School là một hành trình dài hạn với sự hỗ trợ giữa các bên đặc biệt là sự kết nối với các cơ sở giáo dục. Đây cũng được xem là môi trường truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai, thế hệ thừa kế sau này của những dự án dài hơi mà tổ chức đang theo đuổi hướng đến một cộng đồng xanh. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để kiến tạo nên một mạng lưới liên minh lớn mạnh cùng chúng tôi thực hiện sứ mệnh cao cả này và xin trân trọng cảm ơn các cơ quan quản lý, các tổ chức, trường, đại học và đặc biệt là UEH đã đồng hành cùng tổ chức trong thời gian vừa qua.

Sự kiện Zero Waste School Festival năm 2022

Hội thảo quốc tế “Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và Thách thức” – SUDOC 2022 đã chính thức khép lại với những điểm nhấn đáng chú ý, là nền tảng để hội thảo được duy trì và triển khai thành công hơn trong những năm tới. Đây đồng thời cũng là một bước đi trong Chiến lược Đại học Đa ngành và Bền vững của UEH nhằm huy động nguồn tri thức của cộng đồng, mở rộng thêm những nền tảng tiếp cận của nhà trường trong quá trình thực hiện chiến lược này, vượt qua những thách thức trong giai đoạn đầu triển khai. Là một giải pháp hiệu quả nhằm kết nối một Cộng đồng cùng nhau hành động vì sự phát triển bền vững.

*SUDOC 2022 là hoạt động trong chuỗi chương trình Ready for Next: Chuỗi chương trình sẵn sàng chuyển đổi bền vững vì cộng đồng và xã hội của UEH diễn ra xuyên suốt từ ngày 4 - 10/12. Với đích đến là những giá trị tích cực dành cho cộng đồng, đây là chuỗi hoạt động đã ngành, liên ngành và xuyên ngành, chú trọng nối kết các lĩnh vực Công nghệ phục vụ đời sống, Công nghệ hướng tới đô thị thông minh, Công nghệ kết hợp Nghệ thuật, và Bền vững đa lĩnh vực, các hoạt động phủ sóng từ học thuật, diễn đàn trao đổi, hub kết nối cộng đồng đến các hoạt động truyền cảm hứng nghệ thuật đặc sắc như triển lãm, biểu diễn thời trang, hoà nhạc.

Một số hình ảnh khác trong sự kiện SUDOC 2022:

 

Tin, Ảnh: Ban đề án Đại học Bền vững UEH, P.QLKH - HTQT, P.MTT

Chia sẻ