Phiên thảo luận đặc biệt số 7: "Economic Policy Uncertainty” với Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản

14 tháng 01 năm 2023

Vừa qua, Trường Kinh doanh UEH (COB) đã phối hợp với Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) tổ chức phiên thảo luận đặc biệt số 7 về “Economic Policy Uncertainty”, thuộc Hội thảo VANJ 2022 “Đa dạng hóa vì một xã hội hòa nhập”. Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với hơn 50 diễn giả, cùng gần 100 người tham gia tại Hội trường Đại học Tokyo, hơn 300 lượt người online trên nền tảng Zoom/livestream và một số đầu cầu tại các trường đại học ở Việt Nam.

Tham dự hội thảo, về phía đại diện UEH có: PGS.TS. Bùi Thanh Tráng - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh UEH (COB); TS. Nguyễn Thị Hồng Thu - Phó Trưởng Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing; TS. Hoàng Cửu Long - Phó Trưởng khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing; cùng các giảng viên và sinh viên UEH.

Hội thảo có sự tham gia của các vị diễn giả gồm: Ông Chikahisa Sumi - Giám đốc Văn phòng Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); Ông Kazunobu Hayakawa - Trung tâm nghiên cứu các nước đang phát triển tại Thái Lan; TS. Đỗ Thị Hải Ninh - Giảng viên Trường Kinh doanh UEH; TS. Nguyễn Bích Ngọc - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân.

PGS.TS. Bùi Thanh Tráng cùng các giảng viên, học viên UEH tham gia từ đầu cầu Việt Nam

Các diễn giả tham dự hội thảo

Mở đầu phiên thảo luận, Ông Chikahisa Sumi - Giám đốc Văn phòng Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã có bài phát biểu về “Triển vọng Kinh tế Thế giới: Lạm phát và sự bất ổn. Sự suy giảm trong hoạt động kinh tế toàn cầu diễn ra trên diện rộng và mạnh hơn dự kiến, với lạm phát cao hơn mức từng thấy trong nhiều thập kỷ. Triển vọng kinh tế phụ thuộc vào việc điều chỉnh thành công các chính sách tài khóa và tiền tệ. Diễn biến cuộc chiến ở Ukraine và triển vọng tăng trưởng ở Trung Quốc. Rủi ro vẫn lớn bất thường: chính sách tiền tệ có thể tính toán sai lập trường để giảm lạm phát; các đường lối chính sách khác nhau ở các nền kinh tế lớn nhất có thể làm trầm trọng thêm sự tăng giá của đồng đô la Mỹ; thắt chặt tài chính toàn cầu có thể gây ra tình trạng khó khăn về nợ ở các thị trường mới nổi; và sự tồi tệ hơn của cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể làm suy yếu tăng trưởng. Các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào việc khôi phục sự ổn định giá cả và giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt. Hợp tác đa phương vẫn cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Ông Chikahisa Sumi chia sẻ về “Triển vọng Kinh tế Thế giới: Lạm phát và sự bất ổn”

Tiếp đó, Ông Kazunobu Hayakawa - Trung tâm nghiên cứu các nước đang phát triển tại Thái Lan đã chia sẻ về Tác động của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung tại Đông Nam Á. Nghiên cứu xem xét các tác động của cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ ở các nước Đông Nam Á và hàng nhập khẩu của họ từ Trung Quốc. Để làm được điều đó, bài nghiên cứu ước tính các phương trình khác nhau cho thương mại hàng tháng trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019. Kết quả chỉ ra rằng, một số quốc gia Đông Nam Á đã tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có một số quốc gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hầu hết các quốc gia đều trải qua sự gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm Campuchia và Việt Nam, tăng cả hai. Đặc biệt, đã tìm thấy một số bằng chứng gợi ý rằng các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc được tái xuất khẩu sang Hoa Kỳ thông qua Việt Nam để lách thuế do Hoa Kỳ áp đặt đối với Trung Quốc.

Ông Kazunobu Hayakawa chia sẻ về Tác động của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung tại Đông Nam Á

TS. Đỗ Thị Hải Ninh - Giảng viên Trường Kinh doanh UEH đã có nghiên cứu về “Tác động của các yếu tố đổi mới sáng tạo đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong thời kỳ Covid-19. Dựa trên 450 phản hồi hợp lệ từ nhân viên cấp cao, quản lý và giám đốc điều hành cấp cao của doanh nghiệp Việt Nam, bài nghiên cứu đã kiểm tra vai trò trung gian khả năng phục hồi của tổ chức và khả năng phục hồi của mạng lưới kinh doanh trong mối quan hệ giữa đồng đổi mới và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng như kiểm tra tác động điều chỉnh của tác động của Covid-19 trong bối cảnh của một thị trường mới nổi. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ có ý nghĩa và thuận lợi giữa đổi mới sáng tạo và hiệu suất của SME. Kết quả này hàm ý rằng đổi mới sáng tạo có thể cải thiện hiệu quả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

TS. Đỗ Thị Hải Ninh chia sẻ về “Tác động của các yếu tố đổi mới sáng tạo đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong thời kỳ Covid-19”

Cuối cùng, TS. Nguyễn Bích Ngọc - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân đã chia sẻ nghiên cứu về "Tác động không đồng nhất của các biện pháp kỹ thuật phi thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu của Việt Nam". Bài chia sẻ chỉ ra tầm quan trọng ngày càng tăng của các biện pháp phi thuế quan (NTM), đặc biệt là các biện pháp kỹ thuật, trong thương mại quốc tế ngày nay đặt ra thách thức đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất (LDC), nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế. Nghiên cứu này xem xét tác động của các biện pháp kỹ thuật phi thuế quan, đặc biệt là các biện pháp Kiểm dịch động thực vật (SPS) và các biện pháp Rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) mà Việt Nam áp dụng đối với hàng nông sản nhập khẩu. Bài nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù các biện pháp rất phức tạp có xu hướng tác động tiêu cực đến hàng nhập khẩu từ các nước LDC, nhưng chúng lại có tác động tích cực đến hàng nhập khẩu từ các nước không thuộc LDC. Điều thú vị là các biện pháp phi thuế quan kỹ thuật đơn giản ảnh hưởng tích cực đến nhập khẩu từ các nước LDC. Bài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tác động tạo thuận lợi của các hiệp định thương mại sâu rộng đối với việc tuân thủ các biện pháp phi thuế quan kỹ thuật của các nước thành viên là rất hạn chế.

TS. Nguyễn Bích Ngọc chia sẻ nghiên cứu về "Tác động không đồng nhất của các biện pháp kỹ thuật phi thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu của Việt Nam"

Với không khí cởi mở, các khách mời cùng chia sẻ các thông tin khoa học cập nhật. Các phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi và thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.

Tin, ảnh: Phòng Tổng hợp COB

Chia sẻ