Hội thảo khoa học quốc tế Innovative Philosophy And Law (IPL 2022)

16 tháng 12 năm 2022

Ngày 14 và 15/12/2022, Hội thảo khoa học quốc tế Innovative Philosophy and Law (IPL2022) với chủ đề với chủ đề “Rethinking Life and Normative Order in a World of Conflicting Values: Transdisciplinary Perspectives from Asia” do Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (CELG) thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đăng cai tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Hội thảo IPL được tổ chức với mục tiêu xây dựng chuỗi hội thảo thường niên về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn mang thương hiệu IPL do Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) đăng cai tổ chức và Khoa Luật chịu trách nhiệm chính về chuyên môn. Hội thảo hướng tới thiết lập và phát triển mạng lưới các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam và trên thế giới. Trong năm đầu tiên, với chủ đề “Rethinking Life and Normative Order in a World of Conflicting Values: Transdisciplinary Perspectives from Asia”, Hội thảo IPL 2022 đã đưa ra những luận giải triết học và luật học từ góc độ hậu hiện đại, đa ngành và liên ngành đối với những vấn đề kinh tế, chính trị, luật pháp, xã hội, con người, môi trường.

Toàn cảnh hội thảo IPL 2022

Ngày 14/12/2022

Trong ngày đầu tiên diễn ra hội thảo, ngoài các diễn giả chính và các tác giả có bài trình bày tại hội thảo, còn có sự tham gia của hàng trăm học giả, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên quan tâm tới các chủ đề của hội thảo. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo IPL 2022, GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu đa ngành, liên ngành trong định hướng phát triển của UEH và ghi nhận sự góp mặt của các học giả, nhà nghiên cứu đến từ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Giáo sư Hiệu trưởng cũng cảm ơn sự đóng góp của các nhà tài trợ và sự nỗ lực của Ban Tổ chức trong quá trình chuẩn bị cho Hội thảo. 

GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế IPL 2022

Sau lễ khai mạc, TS. Đỗ Kiên Trung - Khoa Lý luận chính trị đã có bài phát biểu đề dẫn với chủ đề “Unity and Conflict in a World of Diverse Value Systems”. Bài viết tái khẳng định chủ đề của IPL 2022 về cuộc sống và trật tự trong một thế giới xung đột về giá trị. Đây cũng chính là những nội dung được các diễn giả chính trình bày trong các phiên toàn thể.

TS. Đỗ Kiên Trung phát biểu đề dẫn

Trong phiên toàn thể đầu tiên do TS. Đinh Công Khải - Phó Hiệu trưởng UEH làm chủ tọa, GS.TS. Kazashi Nobuo - Đại học Kobe, Nhật Bản đã trình bày tham luận với chủ đề “On Technology and Governance: Social Contractarian Dilemmas in the Nuclear Age”. Bắt đầu với những khái niệm về trạng thái tự nhiên, quy luật tự nhiên trong tư tưởng của Hobbes và Locke, tham luận đã thảo luận về khế ước xã hội và vai trò của nhà nước. GS.TS. Nobuo cũng xem xét các khái niệm này trong mối quan hệ với văn hóa phương Đông, vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo. Ở phần sau của bài phát biểu, những khái niệm tưởng như đã rất xưa cũ được diễn giả xem xét trong bối cảnh mới với sự thay đổi của công nghệ và chiến tranh để từ đó đưa ra những suy nghiệm về trật tự xã hội mới cũng như vai trò của luật pháp quốc tế.

Tiến sĩ Đinh Công Khải (Phó Hiệu trưởng UEH) chủ trì phiên thảo luận toàn thể

GS.TS. Kazashi Nobuo (Nhật Bản) trình bày tại hội thảo

Sau tham luận của GS.TS. Nobuo và phần bình luận của TS. Đinh Khương Duy - Khoa Luật, PGS.TS. Karen Abalos Orendain (Philippines) đã trình bày tham luận thứ hai của phiên toàn thể với chủ đề“Beyond Language - Reassessing Deliberative Democracy Amid the Challenge of Immigration”.

Nối tiếp phiên toàn thể, trong sáng ngày 14/12 có 4 phiên thảo luận song song được tiến hành gồm:

  • Phiên 1.1 thuộc lĩnh vực triết học, hiện tượng học và khoa học chính trị do PGS.TS. Liu Zheng (Trung Quốc) làm chủ tọa;
  • Phiên 1.2 thuộc lĩnh vực kinh tế, môi trường và chuyển đổi số do PGS. TS. Võ Tất Thắng làm chủ tọa;
  • Phiên 1.3 thuộc lĩnh vực quan hệ quốc tế và chính sách công do TS. Nguyễn Thành Trung làm chủ tọa;
  • Phiên 1.4 thuộc lĩnh vực luật học do PGS. TS. Trần Văn Nam làm chủ tọa.

Chiều cùng ngày, phiên toàn thể thứ hai được tổ chức dưới sự điều hành của PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Phó Hiệu trưởng CELG. Tham luận đầu tiên do GS.TS. Lee Jong Kwan (Hàn Quốc) trình bày có chủ đề “Envisioning the Future through the Ontological Architectural Phenomenology in Current Existential Crisis”. Tham luận đã nêu bật những trăn trở về tương lai trong cuộc khủng hoảng hiện sinh. Sau phần bình luận của TS. Fotios Rodis (Hy Lạp) và phần hồi đáp của diễn giả, PGS. TS. Liu Zheng (Trung Quốc) đã trình bày bài tham luận thứ hai với chủ đề “Re-evaluating the ‘Exception’ (Reigai) Thought of Japan’s Postwar Intellectual Shuichi Kato”.

Giáo sư, Tiến sĩ Lee Jong Kwan (Hàn Quốc) trình bày

Có bốn phiên thảo luận song song được tiến hành sau phiên toàn thể gồm:

  • Phiên 2.1 thuộc lĩnh vực triết học, hiện tượng học và khoa học chính trị do TS. Bùi Phú Hưng làm chủ tọa;
  • Phiên 2.2 và 2.3 thuộc lĩnh vực kinh tế, môi trường và chuyển đổi số do PGS. TS. Võ Tất Thắng và TS. Fotios Rodis làm chủ tọa;
  • Phiên 2.4 thuộc lĩnh vực luật học do TS. Lữ Lâm Uyên (Khoa Luật, CELG, UEH) làm chủ tọa.

Ngày 15/12/2022

Tại phiên tham luận ngày 15/12, GS. James Morley đến từ Hoa Kỳ đã có bài trình bày về chủ đề “Phenomenology, Mindfulness and Intercultural Understanding”, bàn luận về hiện tượng học, ý thức trọn vẹn và thức nhận liên văn hoá. Ông bàn luận cách tiếp cận máy móc của khoa học luận tự nhiên, vốn xem con người như một đối tượng khách quan chịu sự chi phối của các động lực xã hội và chọn lọc tự nhiên, GS. Morley tái khẳng định khả năng kiến tạo thực tại và thay đổi thế giới của con người thông qua việc thực hành thấu cảm (empathy) giữa con người với nhau. Theo ông, sự thấu cảm tích cực sẽ nảy sinh khi con người tìm về bản nguyên ý thức của mình, chủ động rèn luyện tư duy cảm thông và yêu thương, thay vì tiếp cận máy móc là thứ khoa học lạnh lùng và duy lý, loại trừ những trạng thái tâm thức không thể chứng minh. Phương pháp luận hiện tượng học là công cụ giúp ta nhận ra chủ thể tính và tầm quan trọng của ý thức trong việc kiến tạo và định nghĩa thế giới, và qua đó, GS. Morley còn nhắc nhớ về các thành tựu ý niệm thâm sâu mà người phương đông xưa đã giác ngộ từ lâu. 

Giáo sư, Tiến sĩ James Morley (Hoa Kỳ) trình bày

Nối tiếp phiên toàn thể, trong sáng ngày 15/12 đã diễn ra phiên thảo luận cuối cùng về lĩnh vực Luật học với chủ tọa là TS. Nguyễn Thị Anh - Phó Trưởng khoa Luật, CELG. Các diễn giả đã lần lượt trình bày gồm:

  • Diễn giả NCS. Nguyễn Thị Tố Vy trình bày bài viết về sự khác biệt về sức khoẻ tinh thần giữa các nhóm nữ “The disparities of mental wellbeing among female cohorts”;
  • Diễn giả Nguyễn Thị Thu Uyên đại diện cho nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Luật Hà Nội đã có bài trình bày kết thúc phiên thảo luận với chủ đề Chính phủ điện tử  trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nghiên cứu so sánh giữa Hàn Quốc và Việt Nam “E-government in the context of COVID-19 pandemic a comparative study of Korea and Vietnam”.

Các phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp về mặt học thuật. Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Khánh Nam khẳng định: “Đây là lần đầu tiên UEH và CELG tổ chức hội thảo liên ngành với các chủ đề bao gồm nhiều lĩnh vực từ triết học, luật đến kinh tế và chính sách công. Điều này phản ánh tốt chiến lược chuyển đổi từ một chuyên ngành duy nhất là kinh tế và kinh doanh sang đa ngành và liên ngành trong giáo dục và nghiên cứu của UEH. Trong quá trình huyển đổi sang liên ngành, chúng ta cần mở mang đầu óc, chấp nhận sự khác biệt và vượt qua khỏi vùng an toàn trong nghiên cứu, phản ánh sự đầu tư của Đại học vào khoa học xã hội nói chung để khám phá ranh giới học thuật mới trong các ngành khác nhau.

Thay mặt UEH, PGS.TS. Phạm Khánh Nam đã gửi lời tri ân đến các nhà tại trợ OCB, Takebox và Đối tác đã đồng hành để tạo nên một hội thảo thành công tốt đẹp, đồng thời trao hai giải thưởng Best Paper cho đại diện hai nhóm tác giả là TS. Wang Xiaomei từ Kobe University với bài viết “The Possibility of Evil and Stupidity in Postwar Japan Democracy: Insight from Takaaki Yoshimoto’s Thought of Mass” và Trần Văn Nam với bài viết “International patent valuation framework from a comparative perspective and lessons for Vietnam”.

TS. Phạm Khánh Nam phát biểu bế mạc và trao hai giải OCB Best Paper Awards cho TS. Wang Xiaomei (Trung Quốc) và nhóm tác giả PGS. TS. Trần Văn Nam (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội)

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo Khoa học quốc tế IPL 2022:

Ban Giám hiệu UEH tiếp đón các diễn giả chính tại phòng khánh tiết

Các phiên thảo luận song song

Tiến sĩ, Luật sư Fotios Rodis (Hy Lạp) trình bày tại hội thảo

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Liu Zheng (phải) và Tiến sĩ Wang Xiaomei (trái)

Nhà tài trợ Vàng - Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông OCB

Nhà tài trợ Bạc - GPG Đối tác Chân thật

Tin, ảnh: Ban tổ chức Hội thảo IPL 2022, Phòng Marketing - Truyền thông

Chia sẻ