Chuyên ngành Quản trị Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Sự kết hợp hoàn hảo của công nghệ và kinh tế từ góc nhìn chuyên gia và nhà tuyển dụng

03 tháng 11 năm 2021

“Được đào tạo về kỹ năng quản trị công nghệ, tập trung vào công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, học máy, AR/VR… và được rèn luyện tư duy đổi mới sáng tạo, sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi của doanh nghiệp và thời đại, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Công nghệ và Đổi mới sáng tạo chính là nguồn nhân lực tinh hoa tương lai của doanh nghiệp thời đại số” - Những lợi thế ưu việt vừa nêu của chuyên ngành học mới đã được các chuyên gia, nhà tuyển dụng đánh giá, phân tích cụ thể tại Hội thảo trực tuyến “Decode” chuyên ngành Quản trị Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

 
Thưa chuyên gia, đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Vậy công nghệ đã góp sức gì để doanh nghiệp thích nghi và đổi mới trong hoạt động kinh doanh, sản xuất?
- Ông Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc Dữ liệu và Phân tích - One Mount Group: Thế kỷ 21 đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số, nền kinh tế sáng tạo nhờ vào sự ra đời, phát triển liên tục của những công nghệ mới. Việc nắm bắt và ứng dụng công nghệ chuyên sâu sẽ giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn. Công nghệ luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp, đòn bẩy tăng trưởng và phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công nghệ càng thể hiện rõ vai trò then chốt giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích ứng, vượt qua khó khăn, cũng như nắm bắt cơ hội và có những hình thái hoạt động mới phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh mới. Tại One Mount Group, các mô hình máy học mới đang được tăng cường phát triển để giúp doanh nghiệp có thể hiểu tâm lý khách hàng, phân tích được hành vi khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, xây dựng được mô hình kinh doanh phù hợp với thị trường mới trong tương lai; hay xu hướng giảm điểm chạm tất yếu mà khối ngành dịch vụ bán lẻ (retails) cần nghiên cứu ứng dụng, có thể kế đến công nghệ eKYC mà Techcombank đang triển khai trong việc định danh khách hàng bằng phương thức điện tử không cần gặp mặt trực tiếp.
 
Chuyên gia vui lòng cho biết vai trò của văn hóa đổi mới sáng tạo đối với sự tăng trưởng và phát triển bền vững của doanh nghiệp?
- Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng Giám đốc Nhân Tài và Văn hóa Doanh Nghiệp, Mekong Capital: Bên cạnh vai trò quan trọng của công nghệ mà anh Nguyễn Tuấn Minh đã trao đổi, doanh nghiệp muốn tạo đột phá và phát triển bền vững cần phải có văn hóa đổi mới sáng tạo. Việc xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo phải đi từ gốc, chính là người lãnh đạo có tư duy và cam kết đổi mới sáng tạo. Đồng thời, căn cứ vào mục tiêu kinh doanh của đơn vị, lãnh đạo và doanh nghiệp xác định chiến lược đổi mới sáng tạo phù hợp, hiệu quả. Chúng ta có thể thấy điều này qua câu chuyện thành công của Thế Giới Di Động, một công ty thuộc danh mục đầu tư của MeKong Capital. Với mục tiêu trở thành hình mẫu, doanh nghiệp phục vụ khách hàng tốt nhất Việt Nam, năm 2007, thời điểm mà các doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh chưa thực sự quan tâm đến công nghệ thì Thế Giới Di Động đã phát triển một đơn vị phụ trách chuyển đổi số với quy mô gần 200 nhân sự. Chính sự đầu tư khác biệt và trọng tâm này, cùng cam kết và tư duy mở của người đứng đầu, đã giúp doanh nghiệp đạt những bước phát triển đột phá trong hoạt động kinh doanh, trở thành nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. 
 
Kỷ nguyên số buộc cả doanh nghiệp và người lao động phải thích ứng môi trường công nghệ mới. Từ kinh nghiệm và quan sát của cá nhân, chuyên gia vui lòng cho biết lợi thế của nguồn nhân lực kinh tế khi được đào tạo bài bản thêm về công nghệ mới?
 
- Ông Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc Dữ liệu và Phân tích - One Mount Group: Công nghệ sẽ thay đổi việc làm và người lao động cần nâng cao kỹ năng số để đáp ứng yêu cầu thời đại. Theo xu thế này, nguồn nhân lực khối ngành kinh tế sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt bậc khi am tường và có khả năng ứng dụng công nghệ mới. Vì khi hiểu được công nghệ, họ không chỉ triển khai được chiến lược phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm mà còn phát triển một cách nhanh chóng mô hình kinh doanh mới có áp dụng công nghệ. Thêm vào đó, họ cũng sẽ hiểu tương lai của công nghệ như thế nào, ảnh hưởng của xu hướng công nghệ thế giới ra sao và nhanh chóng nắm bắt cơ hội mà những người khác có thể chưa thấy. Để có được những điều này, họ cần được trải qua một quá trình đào tạo bài bản.
 
Chuyên gia vui lòng cho biết thêm những nét đặc trưng của nguồn nhân lực kỷ nguyên số?
- Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng Giám đốc Nhân Tài và Văn hóa Doanh Nghiệp, Mekong Capital: Nhân viên thời đại số tại các vị trí đều cần được trang bị kiến thức về công nghệ. Và để thành công dù ở bất kì vị trí nào, trong bất kì ngành nghề nào, yếu tố đầu tiên quyết định chính là tư duy mở, tư duy sẵn sàng đón nhận và thử những cái mới, sẵn sàng đứng lên và học nhanh sau mỗi thất bại (agile mindset). Đối với vị trí chuyên viên đổi mới sáng tạo, một trong những đầu ra của chuyên ngành mới chúng ta đang hội thảo hôm nay, tôi rất đồng tình với quan điểm cần chú trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp vì vị trí này phải chịu trách nhiệm xây dựng khung vận hành và phát triển cho doanh nghiệp trên cơ sở tiếp xúc với tất cả phòng ban, tất cả khách hàng để hiểu được nhu cầu của họ. Bởi lẽ, chỉ khi hiểu đúng, hiểu đủ thì công nghệ đưa vào ứng dụng mới có thể phát huy sức mạnh tối ưu. 
 
- Bà Lê Thị Kim Cư, Cựu Giám đốc điều hành - Dentsu Vietnam: Một khảo sát nhanh tại hai công ty Việt Nam về quản lý quỹ đầu tư và phân phối dược phẩm (trên 300 nhân viên) cho thấy có sự gia tăng đáng kể nguồn nhân sự có năng lực công nghệ, lần lượt là 50% và 150%. Bên cạnh đó, Báo cáo Tương lai việc làm của Diễn đàn kinh tế thế giới (2020) dự báo đến 2025, nhóm 10 kỹ năng người lao động cần được trang bị gồm Top 1 - Tư duy phân tích và đổi mới sáng tạo, Top 7-8 kỹ năng liên quan đến Công nghệ. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và doanh nghiệp rất cần nguồn nhân lực có năng lực công nghệ và tư duy đổi mới sáng tạo, sự kết hợp hoàn hảo của hai yếu tố này như là cá gặp nước vậy. Tuy nhiên, kỹ năng kỹ thuật số của lực lượng lao động của Việt Nam năm 2020 tụt 4 bậc xuống vị trí thứ 96 trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Nhân tài Toàn cầu (GTCI) dù Việt Nam đã nhấn mạnh trọng tâm vào cải cách chính sách Công nghiệp 4.01 . Theo đó, hơn bao giờ hết, việc đào tạo nguồn nhân lực thích ứng trong môi trường công nghệ mới là vô cùng quan trọng.
 
Từ những phân tích, trao đổi của các chuyên gia về tác động của công nghệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp cùng những nét đặc trưng của nguồn nhân lực thời đại số, Thầy vui lòng cho biết Viện Đổi mới sáng tạo UEH đã chuẩn bị và có kế hoạch như thế nào trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thời đại số?
- Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Viện Phó Viện Đổi mới sáng tạo UEH: Nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng làn sóng công nghệ mới, từ năm 2021, Viện Đổi mới sáng tạo UEH triển khai tuyển sinh chương trình đào tạo chuyên ngành Quản trị Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Đây là chương trình cử nhân đầu tiên tại Việt Nam, được xây dựng dựa trên trụ cột Quản trị  - Công nghệ - Đổi mới sáng tạo, cung cấp kiến thức nền tảng về quản trị, khả năng ứng dụng công mới như AI, Big Data, VR/AR… trong hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp và năng lực quản trị đổi mới sáng tạo, giúp sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng thích nghi với thị trường lao động tương lai và thích ứng với những thay đổi, vận động của doanh nghiệp và thời đại. Chúng tôi kiên định trong việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, từ chương trình, tài nguyên học thuật, đội ngũ giảng dạy, cố vấn trong và ngoài nước, cho đến phương thức giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của sinh viên, môi trường học tập năng động và các hoạt động ngoại khóa, gắn liền thực tiễn. 
Với sự trao đổi và thảo luận của các diễn giả, Chuyên ngành Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo chính là một cân nhắc lựa chọn của các bạn trẻ hiện nay để có cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong tương lai. Sinh viên UEH được trang bị kiến thức Công Nghệ chính là tinh hoa cho doanh nghiệp thời đại số. 
 
-------------------
Digital Readiness Report, PwC, 2021.
 
Tin, Ảnh: Viện Đổi mới sáng tạo UEH
 
 
Chia sẻ