Ngoài Tiếng Anh, bạn nên học thêm ngoại ngữ nào?

22 tháng 04 năm 2024

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và sâu rộng như hiện nay, ngoại ngữ là hành trang cần thiết cho mỗi người. Tuy nhiên, nếu chỉ biết và sử dụng thông thạo chỉ một ngoại ngữ - thông thường là Tiếng Anh, liệu có thực sự đủ? Hãy cùng DSA đi tìm hiểu xem tại sao chúng ta nên học thêm ngoại ngữ thứ 2 và làm thế nào để lựa chọn được ngoại ngữ thứ 2 phù hợp với bản thân nhé.

(Nguồn: expertrans.com)

Lợi ích và sự cần thiết học thêm một ngoại ngữ thứ hai sau Tiếng Anh

Theo báo cáo của Đơn Vị Nghiên Cứu Đa Ngôn Ngữ và Giao Tiếp Đa Văn Hóa (RUMACCC), người học song ngữ có tư duy nhanh nhạy, giao tiếp tự tin và chủ động trong công việc lẫn cuộc sống. Việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ thứ hai sẽ nâng cao tỉ lệ thành công của người lao động khi tham gia vào thị trường lao động và tạo nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Biết nhiều hơn một ngoại ngữ là biết nhiều hơn một nền văn hóa; hiểu sâu sắc hơn phong tục, lối sống, kinh tế, chính trị và nhiều mặt khác của một quốc gia. Chính điều này giúp chúng ta ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, thậm chí tiếp cận có hiệu quả đối tượng khách hàng đến từ quốc gia đó.

Tác động tích cực của ngoại ngữ hai đến người học (Nguồn: elearninginfographics.com)

Làm thế nào để lựa chọn ngoại ngữ thứ hai?

  • Lựa chọn theo tiêu chí nhiều người sử dụng nhất

Dữ liệu thống kê của Ethnologue cho thấy tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hindi, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp lần lượt là năm ngôn ngữ được dùng nhiều nhất trên thế giới. Đứng vị trí thứ hai về số lượng người dùng là tiếng Trung nhưng trong 1,2 tỷ người dùng tiếng Trung thì có đến gần 1 tỷ người là người Trung Quốc. Tức là tiếng Trung được sử dụng nhiều vì số công dân Trung Quốc đông. Khi lựa chọn học tiếng Trung như một ngoại ngữ thứ hai, bạn có thể giao tiếp với 18% dân số thế giới trên các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiếng Trung là ngôn ngữ chính thức như Trung Quốc, Đài Loan, Ma Cao, Hồng Kông. Như vậy, nếu xét về số lượng người dùng, bao gồm cả những người có quốc tịch của quốc gia đó thì tiếng Trung, tiếng Hindi đang nằm trong số những ngôn ngữ có số lượng người sử dụng nhiều nhất.

  • Lựa chọn theo mức độ phổ biến trên nhiều quốc gia

Khi dự định học thêm một ngoại ngữ mới thì ngoài yếu tố về số lượng người dùng, bạn cần nghiên cứu về độ phổ biến mà ngôn ngữ đó được sử dụng tại nhiều quốc gia khác nhau. Nói cách khác, là tìm hiểu xem ngôn ngữ có  đó được sử dụng nhiều bởi những người không có quốc tịch của quốc gia đó hay không, điển hình như tiếng Pháp. Tiếng Pháp được mệnh danh là ngôn ngữ phát triển nhanh nhất thế giới và người nói tiếng Pháp phủ sóng rộng khắp chứ không chủ yếu trên một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu bạn có mong muốn học tập và làm việc xuyên quốc gia, châu lục và ưu tiên độ phủ sóng toàn cầu của ngoại ngữ thứ hai thì có lẽ, bạn cần trang bị tiếng Pháp cho mình. Ngoài ra, có thể kể đến tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung.

  • Lựa chọn theo mức độ phù hợp và thuận lợi cho nghề nghiệp tương lai

Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù riêng về yêu cầu ngôn ngữ và dự định đi theo con đường sự nghiệp nào sẽ ảnh hưởng đến ngoại ngữ thứ hai bạn học. Bạn dự định làm việc trong ngành phân tích dữ liệu, khoa học máy tính… thì nên học tiếng Trung, tiếng Hindi vì ngành này phát triển mạnh ở Trung Quốc, Ấn Độ. Hoặc bạn quan tâm đến lĩnh vực ngoại giao, quan hệ quốc tế, những ngoại ngữ hai nên học nhất là 5 ngôn ngữ còn lại sau tiếng Anh trong số 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc: tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Ả Rập và tiếng Trung. Định hướng nghề nghiệp sẽ chi phối ngoại ngữ thứ hai mỗi người chọn học, bạn nên cân nhắc kỹ những yếu tố về tiềm năng phát triển, địa lý, nhu cầu nhân lực của ngành mình theo đuổi để lựa chọn ngoại ngữ thứ hai phù hợp.

Ngoại ngữ hai phù hợp với công việc (Nguồn: hotcourses.vn)

  • Lựa chọn theo mức độ dễ tiếp thu

Nói đơn giản là lựa chọn ngoại ngữ thứ hai dễ học, có thể đó là ngôn ngữ bạn yêu thích, có thể đó là ngôn ngữ gần với tiếng mẹ đẻ của bạn, hay nó có nhiều điểm tương đồng với ngoại ngữ một là tiếng Anh của bạn…Theo số liệu của LTI (Language Testing International), nếu tiếng mẹ đẻ hoặc ngoại ngữ một là tiếng Anh thì tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hà Lan sẽ rất dễ học. Đặc biệt, có hơn 10,000 từ tiếng Anh mang nét nghĩa thể hiện từ tiếng Pháp. Theo trang Busuu, không xem xét những thuận lợi của ngôn ngữ mẹ đẻ thì các ngoại ngữ được đánh giá dễ tiếp thu về mặt chữ viết, ngữ pháp, phát âm lần lượt là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Bồ Đào Nha.

Sự tương đồng giữa ngoại ngữ hai và ngoại ngữ một hoặc tiếng mẹ đẻ giúp việc tiếp thu có hiệu quả hơn (Nguồn: lighthouse.mq.edu.au)

Lời kết

Dù bạn chọn ngoại ngữ hai là ngôn ngữ nào thì thái độ, cách thức và sự kiên trì trong quá trình học tập là điều cần thiết. Chỉ với tinh thần học hỏi và những nỗ lực trau dồi ngôn ngữ mỗi ngày mới giúp bạn thành thạo một ngoại ngữ mới hoặc hơn thế nữa là “có thêm được một linh hồn” (“Biết thêm được một ngôn ngữ như là có thêm được một linh hồn” - Charlemagne).

        Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Tài liệu tham khảo

  The University of Merbone. Information on multilingualism. https://arts.unimelb.edu.au/research-unit-for-multilingualism-and-cross-cultural-communication/community/information-on-multilingualism

  Hotcourses Vietnam. (2021, 8 2). Nên học ngôn ngữ nào: Phân tích thế mạnh từng ngôn ngữ. https://www.hotcourses.vn/study-abroad-info/study-guides/ngoai-ngu-nao-tot-nhat-de-dau-tu-vao-hoc/

Chia sẻ