Hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp - Con đường xây dựng danh tiếng của trường đại học

04 tháng 11 năm 2018

Từ ngày 18 - 26/10/2018, Nhóm Nghiên cứu triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo tại UEH - Viện Đổi mới sáng tạo (UII) - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã đến thăm quan, học tập, tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ vườn ươm đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Quản lý Singapore (SMU).

Từ ngày 18 - 26/10/2018, Nhóm Nghiên cứu triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo tại UEH - Viện Đổi mới sáng tạo (UII) - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã đến thăm quan, học tập, tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ Vườn ươm đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Quản lý Singapore (SMU).

Khởi nghiệp - Từ khóa được cả xã hội quan tâm tại Việt Nam

Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và tích cực hỗ trợ cho hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp. Năm 2018, hàng trăm ngàn doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam [1]. Cả xã hội dường như đều quan tâm đến vấn đề này; các kênh báo chí, các chương trình truyền hình (game show) thường khai thác chủ đề về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sáng tạo xã hội.

Dữ liệu trên Google Xu hướng (Google Trends) [2] cho thấy: số lần từ khóa “khởi nghiệp” được tìm kiếm trong vòng 5 năm qua ở Việt nam có xu hướng tăng rất mạnh vào 12 tháng gần đây.

Ảnh chụp từ Google Trends thể hiện xu hướng tìm kiếm từ khóa “khởi nghiệp”

Tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và mô hình vườn ươm đổi mới sáng tạo tại các trường đại học của Singapore

Trong báo cáo hàng năm của Ngân hàng Thế giới, những năm gần đây, dẫn đầu các quốc gia có môi trường khởi nghiệp tốt nhất là New Zealand, Australia, Canada, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản. Trong đó, Singapore được Ngân hàng Thế giới xếp hạng là quốc gia tốt thứ hai để tiến hành kinh doanh trên toàn cầu, và đứng đầu ở Châu Á [3]. Đây là một quốc gia giàu có (GDP bình quân đầu người là 52.962 USD), với tỷ lệ thất nghiệp thấp (2,15%) và khả năng truy cập Internet tốt (81%). Không mấy ngạc nhiên khi ở Singapore, 100% các trường đại học đều có Vườn ươm đổi mới sáng tạo (Incubator), tiêu biểu như Đại học Quản lý Singapore (SMU) [4], điều này hầu như rất khó tìm thấy ở Việt Nam.

Quan điểm về học đại học để có bằng cấp và đi làm thuê ít được nhắc đến ngày nay. Tại Singapore, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở trường đại học luôn luôn truyền động lực vào từng sinh viên ngay trên những hoạt động trong trường và trong bài giảng. Khái niệm khởi nghiệp ở đây không chỉ là thành lập một công ty và “làm chủ doanh nghiệp” mà khái niệm đó đang được truyền vào sinh viên như là một tinh thần “làm chủ bản thân”. Cho dù họ đi làm ở đâu, làm công việc gì, thì tinh thần đổi mới sáng tạo, tìm ra những cách thức làm hay, tinh gọn, thông minh, giải quyết những vấn đề tình huống nhỏ hàng ngày hoặc giải quyết bài toán lớn công ty, của cả xã hội luôn được chú trọng, khuyến khích.

Ở những vườn ươm đổi mới sáng tạo, những dự án/kế hoạch kinh doanh được tập trung để tìm ra lời giải cho các vấn đề mà xã hội đang gặp phải. Sinh viên - thậm chí từ sinh viên năm nhất có thể bắt đầu quá trình này với đội nhóm của họ cũng là sinh viên hoặc cựu sinh viên. Những dự án đó luôn luôn có những điểm mới chưa từng có trên thị trường hoặc những điều đang tồn tại nhưng cần cải tiến thêm để đi tìm sự khác biệt. Những tiêu chí để đánh giá cho một dự án vào các Vườn ươm đổi mới sáng tạo (Incubator) là: (1) chất lượng của các nhà sáng lập, (2) sự khác biệt của sản phẩm dịch vụ/mô hình kinh doanh, (3) khả năng mở rộng về quy mô dự án cho thị trường lớn, (4) tiềm năng thị trường, được xã hội đón nhận. Sau quá trình “nuôi dưỡng”, các chuyên gia (mentors) hỗ trợ cho các sinh viên này phát triển ý tưởng, điều chỉnh mô hình kinh doanh, hỗ trợ các kiến thức cần thiết cho các nhà sáng lập có thể vận hành doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Các chuyên gia này đến từ doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền, các chủ doanh nghiệp đã thành công, rất ít người đến từ giảng viên các trường đại học. Họ là những chuyên gia trong lĩnh vực đặc thù, là người thành đạt, có tri thức, kinh nghiệm thị trường, làm việc tự nguyện và không có thù lao. Họ tư vấn cho các dự án khởi nghiệp bằng tất cả đam mê, thậm chí chia sẻ hệ sinh thái họ đang có.

Khi làm dự án, với số tiền đầu tư và công sức đã bỏ ra, sinh viên - những nhà sáng lập được học và trải nghiệm đầu đời những điều thực tế hơn bao giờ hết. Những kinh nghiệm vô cùng đáng quý với sinh viên vì được rút ra được từ những thất bại, những thành công thực tế. Ngoài ra, khi các vườn ươm đánh giá các dự án hàng tháng, những nhà sáng lập nhận được những nhận xét, đóng góp mang tính xây dựng cao. Cho dù làm chủ hay làm thuê sau khi tốt nghiệp, những kinh nghiệm quý báu này cũng giúp ích rất nhiều cho tương lai của sinh viên.

Một góc của khu vực làm việc chung (co-working space) của Vườn ươm Đổi mới sáng tạo ở Đại học Quản lý Singapore (SMU). Tại đây, văn phòng được mở cửa 24/24 (có đầy đủ khu vực ăn, làm việc, nghỉ ngơi, thể thao, giải trí)  và có hơn 10 dự án đang tất bật chuẩn bị ngày ra thị trường

Kết thúc quá trình ươm mầm ở Vườn ươm đổi mới sáng tạo (Incubator), các dự án sẽ bắt đầu đi gọi vốn từ các nhà đầu tư và tiến vào thị trường. Để đánh giá thành công, các Vườn ươm đổi mới sáng tạo (Incubator) quan tâm đến các yếu tố như: (1) số công việc làm mà dự án đó tạo ra cho xã hội, (2) doanh thu mà dự án tạo ra, (3) số vốn đã kêu gọi đầu tư, (4) định giá doanh nghiệp. Khi làm kinh doanh, hầu như nhiều người quan tâm đến lợi nhuận, nhưng lợi nhuận không phải là vấn đề quan trọng nhất mà nhà làm khởi nghiệp quan tâm. Bên cạnh đó,  họ còn quan tâm đến những lợi ích mà doanh nghiệp tạo ra cho xã hội như số công việc làm, giao thương trong nền kinh tế tăng sẽ tăng thuế nộp để xây dựng đất nước, đặc biệt là những giá trị mới, sản phẩm, dịch vụ mới mang lại lợi ích và sự tiện nghi cho xã hội. Khi đó lợi nhuận không chỉ được nhìn nhận là khoản tiền mà nhà đầu tư kiếm được trong kinh doanh; ở một góc nhìn khác, đây là phần thưởng cho công sức các nhà đầu tư, nhà sáng lập giúp tạo ra giá trị mới cho xã hội.

Những dự án khởi nghiệp muốn tồn tại được phải có những lợi thế cạnh tranh nhất định mà thị trường chưa có, lợi thế này chính là ý tưởng sáng tạo và nỗ lực của những con người sáng lập ra nó. Ý tưởng có thể đến bất chợt nếu con người luôn có tinh thần đổi mới sáng tạo, quan tâm nghiên cứu và tìm ra những điều phục vụ tốt nhất cho đời sống con người.

Toàn bộ quá trình tham gia vào vườn ươm, các trường đại học hoạt động tăng chi ngân sách và không thu về lợi tức. Giá trị mà trường đại học nhận được là việc nâng cao uy tín, thương hiệu với xã hội. Khi những dự án gọi vốn thành công và bắt đầu tung ra thị trường, ảnh hưởng đến thị trường giúpcải tiến xã hội thì trường đại học được cả xã hội nhắc đến, tôn vinh như một cái nôi sản sinh ra những nhà quản lý tài ba, những ý tưởng thay đổi thế giới.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hầu hết các ý tưởng khởi nghiệp ở Singpore đều trên nền tảng công nghệ, mang công nghệ vào giải quyết những vấn đề của nền kinh tế hay của xã hội. Ví dụ: ngân hàng DBS phát triển máy giao tiếp thay thế giao dịch viên ngân hàng (teller), nền tảng kết nối giao thức ăn nhanh, nền tảng kết nối học trực tuyến hoặc những dự án bán những sản phẩm truyền thống nhưng ứng dụng kinh doanh thương mại điện tử.

Không chỉ ở các trường đại học, các doanh nghiệp lập vườn ươm cũng rất đa dạng, các vườn ươm này thường là một phần của doanh nghiệp để nghiên cứu, sáng tạo và giúp đỡ những người khác sáng tạo, họ có mô hình hoạt động cũng giống như các trường đại học. Ngân sách hoạt động thường đến từ bản thân doanh nghiệp và hỗ trợ của chính phủ, các dự án trong vườn ươm không phải trả bất cứ chi phí nào và cũng không bị các vườn ươm giữ cổ phần dù cho sự đóng góp của vườn ươm trong các dự án là rất lớn và đầu tư đầy rủi ro. Tuy nhiên, họ thường khuyến khích các dự án sau khi thành công quay về đóng góp để giúp đỡ các dự án sau này (có thể bằng tài trợ hoặc làm mentor).

Trường Đại học Quản lý Singapore (SMU) - Nơi đào tạo những nhà quản lý lỗi lạc, Trường đi đầu trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Ở Singapore, các trường đại học về kinh doanh và quản lý (như SMU) thường sáng tạo ra các mô hình kinh doanh mới, các dịch vụ hữu ích, các nền tảng kết nối; các trường đại học kỹ thuật (như NTU) sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, mới lạ và hữu ích như robot, máy in 3D…

Một góc của ngày hội triển lãm các dự án khởi nghiệp sinh viên của Đại học Nanyang Technology (NTU)

SMU tại Singapore được nhắc đến nơi đào tạo những nhà quản lý lỗi lạc, tại đây đã sản sinh ra không ít những dự án từ sinh viên gọi vốn hàng triệu USD. Đơn cử như dự án của Anh Tống Nhật Dương, một người Việt đã học tại SMU với ý tưởng chăm sóc người cao tuổi Homage ở Singapore [5]. Hiện nay dự án đã gọi vốn hơn 5 triệu USD và Anh Tống Nhật Dương nằm trong danh sách 30 Under 30 của Forbes châu Á.

Bảng danh sách các dự án đã và đang được “nuôi dưỡng” tại Vườn ươm Đổi mới sáng tạo của SMU

Bảng vàng các dự án đã thành công và đang giúp ích cho xã hội

Ở Việt Nam, không ít dự án khởi nghiệp thành công, nhưng từ sinh viên và trường đại học thì rất ít. Ý tưởng và dự án xuất phát từ sinh viên hoặc các cựu sinh viên khi mới tốt nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, các ý tưởng này không được nuôi dưỡng, không được hỗ trợ thực thi, dẫn đến lãng phí ý tưởng của xã hội. Xã hội có thêm giá trị mới, đất nước phát triển có sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp mới, càng nhiều doanh nghiệp lớn mạnh là yếu tố rất quan trọng. Vườn ươm đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên đại học là một mô hình - một việc làm cần thiết trong thế giới hiện đại ngày nay.

Đoàn công tác UEH đến thăm quan, học tập, tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ vườn ươm đổi mới sáng tạo của SMU

Viện Đổi mới sáng tạo UEH (UEH Institute of Innovation) được thành lập ngày 20/4/2018 với mục tiêu xây dựng vườn ươm đổi mới sáng tạo thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại trường nói riêng và TP.HCM nói chung. Bên cạnh đó ngày 27/04/2018, UEH ký kết hợp tác với Đại học Quản lý Singapore (SMU) trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc [6]. Theo ký kết này, SMU sẽ hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại UEH. Cụ thể, trong tháng 10/2018 vừa qua, đoàn công tác của UEH đã đến thăm quan, học tập, tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ vườn ươm đổi mới sáng tạo của SMU. Cơ sở 232/6 Võ Thị Sáu, Quận 3 dự kiến sẽ là khu vực làm việc chung (co-working space) để ươm mầm các dự án khởi nghiệp từ sinh viên UEH từ năm 2019. Với sự hỗ trợ của Viện Đổi mới sáng tạo, những ý tưởng xuất sắc từ cuộc thi Dynamic - Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai [7] không chỉ nằm trên giấy, mà hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đóng góp thiết thực hơn cho xã hội trong tương lai.

Đoàn công tác UEH làm việc với Viện Sáng tạo và khởi nghiệp SMU

[1] http://doimoidoanhnghiep.chinhphu.vn/bo-cao-doanh-nghiep.html

[2] https://trends.google.com

[3] https://vov.vn/khoi-nghiep/12-noi-tot-nhat-o-chau-a-cho-khoi-nghiep-766416.vov

[4] https://iie.smu.edu.sg

[5]https://startup.vnexpress.net/tin-tuc/hanh-trinh-khoi-nghiep/9x-khoi-nghiep-voi-mo-hinh-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-o-singapore-3821424.html

[6]http://ueh.edu.vn/news.aspx?id=2897&tl=ueh-ky-ket-hop-tac-voi-truong-dai-hoc-quan-ly-singapore-smu-truoc-su-chung-kien-cua-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc

[7] http://dynamic.ueh.edu.vn

 

 

Tin, Ảnh: Nhóm Nghiên cứu triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo tại UEH - Viện Đổi mới sáng tạo (UII).

 
Chia sẻ