Hội thảo khoa học quốc gia: Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

10 tháng 05 năm 2021

[Báo Sài Gòn đầu tư] Để hỗ trợ nền kinh tế chống chọi lại đại dịch Covid-19, một lượng lớn tiền đã được Chính phủ đổ vào lưu thông. Tuy nhiên, tiền đã có dấu hiệu bị nghẽn lại trong hệ thống tài chính, trong khi lại được đổ vào các kênh đầu tư cổ phiếu, bất động sản hơn là đi vào sản xuất. Thực trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn nhằm đưa dòng tiền đi vào khu vực sản xuất.

Vận tốc của tiền chậm
Trong bối cảnh cần khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, Chính phủ đã và đang thực hiện kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Trong năm 2019 và 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ các loại lãi suất điều hành, nhằm thực hiện chính sách mở rộng tiền tệ, kích thích nền kinh tế. Liệu điều này có đủ tạo nên lực đẩy cho “cỗ xe” kinh tế Việt Nam hay không? Bên cạnh khái niệm lượng cung tiền, điều cần quan tâm nữa là vận tốc của tiền - thước đo khác về sức khỏe của nền kinh tế.
Theo lý thuyết số lượng tiền của Milton Friedman: M*V = P*Q, với M là lượng cung tiền, V là vận tốc của tiền, P đo lường sự thay đổi giá của các loại hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong một nền kinh tế, Q là khối lượng hàng hóa và dịch vụ được giao dịch. Vận tốc của tiền liên quan đến tần suất của các giao dịch tiền tệ trong nền kinh tế. Vận tốc của tiền cao thường là dấu hiệu của nền kinh tế lành mạnh, bởi tiền được trao tay để giao dịch hàng hóa nhanh, vòng quay của tiền diễn ra nhanh hơn.
Các nhà kinh tế học phân chia tiền thành 2 loại: tiền chủ yếu được mọi người và các công ty dùng cho các giao dịch gọi là “tiền hoạt động”; tiền được dùng để tiết kiệm và tích lũy gọi là “tiền nhàn rỗi”. Càng có nhiều tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế, tốc độ vận chuyển của tiền càng giảm. 

Mối quan hệ giữa lạm phát, tăng trưởng GDP và vận tốc của tiền (nguồn: Tổng hợp của tác giả)

Mối quan hệ giữa lạm phát, tăng trưởng GDP và vận tốc của tiền (nguồn: Tổng hợp của tác giả).

Biểu đồ cho thấy vận tốc của tiền ở Việt Nam đã liên tục giảm xuống mức rất thấp trong vòng 20 năm trở lại đây. Nhưng hiện tại vận tốc tiền thấp như vậy có phải do tiền nhàn rỗi quá nhiều trong nền kinh tế? Vận tốc của tiền ngày càng giảm ở Việt Nam ám chỉ dòng tiền trao từ tay người này đến người khác đang rất chậm, phản ánh sự sụt giảm trong giao dịch, tiêu dùng của doanh nghiệp và hộ gia đình sau năm 2011.

Thay vào đó phần lớn lượng tiền có thể đã được sử dụng để đổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản hoặc tồn tại dưới dạng tiết kiệm hơn là vào khu vực sản xuất, tiêu dùng. Dòng tiền này có thể là nguồn gốc cho tình trạng “bong bóng” bất động sản và chứng khoán trong thời gian qua. 

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến cuối năm 2020, đã có 95 văn bản được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với 4 gói chính sách lớn: gói 250.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng, 180.000 tỷ đồng hỗ trợ giãn hoãn nộp thuế, 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0%, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng và hàng loạt biện pháp khác. Tiếp theo đó là gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Song vận tốc của tiền vẫn tiếp tục giảm trong giải đoạn này, cho thấy lượng tiền khổng lồ dường như đã bị mắc kẹt trong hệ tài chính công với tâm lý e dè trong tiêu dùng của người dân, đã làm tăng trưởng GDP không như mức kỳ vọng. Các điều kiện giải ngân cho doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ khá ngặt nghèo, hệ thống an sinh xã hội có thể xem là cũ kỹ, cũng khiến hiệu năng của chính sách hỗ trợ giảm xuống rõ rệt.

Những giải pháp kích thích tăng trưởng

Thứ nhất, gia tăng vận tốc của tiền. Muốn vận tốc tiền tăng lên cần thúc đẩy việc chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ, một đơn vị tiền dùng để chi tiêu có vận tốc càng nhanh, nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ lớn, kích thích sản xuất, tăng việc làm, tăng thu nhập và cuối cùng thúc đẩy gia tăng GDP. Trong xã hội, những người có thu nhập thấp thường là nhóm chi tiêu tiền nhanh nhất cho hàng hóa và dịch vụ mỗi khi họ có tiền trong tay.

Do đó, Chính phủ cần cải cách mạnh mẽ chính sách an sinh xã hội, để khoản tiền hỗ trợ được nhanh chóng trao tận tay đến người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, có thu nhập thấp. Khi có tiền trao tay họ sẽ sử dụng dịch vụ nhiều hơn, sức mua tăng, kích thích quá trình sản xuất, nhiều việc làm hơn được tạo ra, lương sẽ tăng và tới lượt nó sẽ tạo vòng xoáy thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Khu vực sản xuất là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy Chính phủ cần có các gói giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng đến các doanh nghiệp, hộ gia đình. Bên cạnh đó siết chặt các dòng vốn đi vào khu vực đầu cơ bất động sản hoặc đầu tư vào cổ phiếu để tránh sự lệch lạc của dòng tiền đầu tư, gây ra tình trạng bong bóng tài sản không có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Các ngân hàng có thể hạ thấp chỉ tiêu lợi nhuận, chia sẻ với doanh nghiệp sản xuất và hộ gia đình bằng các gói vay trung hạn, lãi suất hấp dẫn, ổn định, giúp họ ổn định sản xuất. Khi doanh nghiệp sản xuất ổn định, người lao động có việc làm, đó sẽ là mảnh đất màu mỡ để các ngân hàng khai thác tìm kiếm lợi nhuận.

Thứ ba, thúc đẩy chuyển đổi số. Thúc đẩy các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chuyển đổi số. Đầu tư chuyển đổi số hôm nay để tạo đà tăng trưởng kinh tế trong tương lai, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Quá trình chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng sản lượng tương xứng với mức tăng cung tiền, sẽ góp phần kiềm giữ lạm phát ở mức ổn định.

Chuyển đổi số có thể là chìa khóa giúp quá trình sản xuất của doanh nghiệp nâng lên cấp độ mới, tạo ra bước ngoặt cho nền kinh tế, giúp nền kinh tế cất cánh khỏi các lực kéo trì trệ, dần đi vào quy trình tăng trưởng ổn định, tự thân không cần quá nhiều kích thích tài khóa và tiền tệ từ Chính phủ. 

Thúc đẩy vòng quay của tiền, khơi thông tín dụng và tăng tốc chuyển đổi số là đòi hỏi cấp thiết để gia tăng sản lượng, kích thích tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19.

Tác giả: Quách Doanh Nghiệp.

Nguồn: Báo Sài Gòn Đầu tư.

Chia sẻ