UEH Global 2023: Khai mạc Chương trình tập huấn “Giảng dạy STEM” cho Giáo viên và Học sinh phổ thông tỉnh Vĩnh Long
20 tháng 03 năm 2023
Thực hiện trách nhiệm xã hội của một đại học trọng điểm quốc gia, ngày 18/03 vừa qua, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Long tổ chức khai mạc Chương trình tập huấn “Giảng dạy STEM” cho giáo viên và học sinh phổ thông tỉnh Vĩnh Long năm 2023. Chương trình nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và thiết bị hỗ trợ thực hiện tốt việc hướng nghiệp và định hướng nghiên cứu khoa học cho học sinh, nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên, đồng thời, tuyển chọn các dự án ứng dụng công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo có tiềm năng phát triển, kết nối và ươm tạo tại Vườn ươm khởi nghiệp Mekong của UEH.
- Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức Chương trình tập huấn “Giảng dạy STEM” và Khai mạc Hội thi “THE STEM UEH MEKONG 2024”
- UEH phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thi RoboCon UEH 2023 - The UEH Dancing Robot Contest và Bế mạc lớp tập huấn giảng dạy STEM cho giáo viên và học sinh tỉnh Vĩnh Long năm 2023
- UEH khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (MCIE) và tổ chức Hội thi “THE STEM UEH MEKONG 2024” và “DRONE CHAMPION VINH LONG 2024”
Giáo dục STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Những kiến thức và kỹ năng trong chương trình giáo dục STEM phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về kiến thức cơ bản mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
Đối với học sinh phổ thông, việc theo học các môn học STEM còn có ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Khi được học nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, học sinh sẽ chủ động thích thú với việc học tập thay vì thái độ e ngại hoặc tránh né một lĩnh vực nào đó. Trên cơ sở đó sẽ khuyến khích các em có định hướng tốt hơn khi chọn chuyên ngành ở các bậc học cao hơn và tạo sự chắc chắn cho cả sự nghiệp về sau. Những học sinh được dạy học theo cách tiếp cận giáo dục STEM đều có những ưu thế nổi bật như: kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn; khả năng sáng tạo, tư duy logic; hiệu suất học tập và làm việc vượt trội và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn trong khi không hề gây cảm giác nặng nề, quá tải đối với học sinh.
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã hướng dẫn một số nội dung thực hiện giáo dục STEM và tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục STEM nhằm hỗ trợ các trường phổ thông triển khai thực hiện có hiệu quả giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học. Tuy nhiên, để tổ chức thành công các hoạt động trải nghiệm STEM, cần có sự tham gia, hợp tác của các bên liên quan như trường trung học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học, doanh nghiệp.
Với trách nhiệm xã hội của một đại học trọng điểm quốc gia, đồng hành cùng ngành giáo dục cả nước, đồng hành cùng với Thầy/Cô giáo và các em học sinh tổ chức thành công hoạt động này ở cấp THPT và cấp THCS, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã khởi động Chương trình “Giảng dạy STEM” thuộc Dự án cộng đồng UEH Global năm 2023. Vì vậy, sáng ngày 18/03/2023, UEH đã phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ khai mạc Chương trình tập huấn “Giảng dạy STEM” cho giáo viên và học sinh phổ thông tỉnh Vĩnh Long năm 2023.
Toàn cảnh Lễ khai mạc Chương trình Tập huấn
Tham dự lễ khai mạc, về phía UEH - đơn vị chủ trì tổ chức khóa tập huấn có sự hiện diện của: PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Hiệu trưởng UEH; ThS. Hồ Thiện Quyền - Phó Giám đốc Phân hiệu Vĩnh Long; PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác; ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng Phòng Tổng hợp Trường Công nghệ và Thiết kế UEH, Giám đốc điều hành Viện Đổi mới sáng tạo UEH; cùng với sự tham dự của các Thầy/Cô là các chuyên gia, cán bộ hỗ trợ khóa học đến từ Viện Đổi mới sáng tạo, Viện Công nghệ thông minh và tương tác; các Thầy/Cô là lãnh đạo Phòng, Khoa, Trung tâm thuộc Phân hiệu Vĩnh Long, phóng viên Báo Vĩnh Long, Đài PTTH Vĩnh Long và TTX Việt Nam tại Vĩnh Long.
Về phía đơn vị phối hợp tổ chức có sự hiện diện của: Ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long; Ông Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng phòng Trung học và GDTX tỉnh Vĩnh Long; cùng các Thầy/Cô là lãnh đạo Phòng giáo dục các đơn vị trong tỉnh Vĩnh Long. Và đặc biệt là sự hiện diện của hơn 180 giáo viên và học sinh phổ thông từ 34 đơn vị trường học và Phòng Giáo dục trong tỉnh Vĩnh Long.
Chương trình tập huấn nhằm mục tiêu:
- Hỗ trợ cho các giáo viên trung học tỉnh Vĩnh Long trong hướng nghiệp các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, định hướng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;
- Nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên các trường trung học khi tổ chức dạy học và các hoạt động STEM ở các trường trung học trong lĩnh vực Robot và Trí tuệ nhân tạo cũng như Công nghệ và Đổi mới sáng tạo;
- Giúp học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long làm quen với Công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ chuyên gia tư vấn chuyên sâu giúp các trường tham dự các cuộc thi về robot các cấp đạt kết quả cao;
- Tuyển chọn các dự án tiềm năng ứng dụng công nghệ robot đưa vào ươm tạo tại Vườn ươm khởi nghiệp Mekong và Hỗ trợ tư vấn và kết nối đầu tư, đưa các dự án phát triển.
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Hiệu trưởng UEH chia sẻ: “Thực hiện chiến lược phát triển Đại học Đa ngành và Bền vững, UEH đã đặt sự phát triển bền vững của xã hội làm mục tiêu hàng đầu. UEH đẩy mạnh hoạt động kết nối nhà trường với cơ quan Nhà nước, nhà khoa học, hội, hiệp hội, doanh nghiệp và cộng đồng cựu sinh viên thông qua chương trình “Kết nối cộng đồng - Lan tỏa tri thức - Hành động bền vững”. Mục tiêu của chương trình này là lan tỏa tri thức và đưa các giá trị bền vững vào cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
UEH Global là một trong những dự án mà UEH đã và đang thực hiện để hiện thực hóa trách nhiệm đó. Qua hơn 3 năm triển khai, dự án đã trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là hỗ trợ về mặt hạ tầng, kỹ thuật, phương pháp để giáo viên và học sinh vùng ĐBSCL có thể tham gia dạy và học trực tuyến trên nền tảng UEH đã trang bị, vượt qua đại dịch một cách thành công và vẫn giữ được chất lượng đào tạo. Giai đoạn thứ 2, UEH Global cung cấp cho cộng đồng giáo viên những trải nghiệm với phương pháp, công cụ biên soạn giáo án, bài giảng điện tử, hỗ trợ tích cực cho các trường thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục. Qua giai đoạn 2, UEH đã cấp hơn 2.500 chứng chỉ hoàn thành khóa học. Đến nay, UEH Global tiếp tục đồng hành cùng quý thầy cô và các em học sinh phổ thông vùng ĐBSCL trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với chương trình tập huấn giảng dạy STEM. Chương trình đầu tiên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long đã thu hút một lực lượng đông đảo các thầy cô bộ môn Vật lý, Tin học và các em học sinh ở các khối lớp phổ thông. Đây là tín hiệu tích cực, là động lực để UEH Global tiếp tục triển khai đến khắp các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL. Hy vọng rằng, sau khóa tập huấn này, sẽ có nhiều dự án robotics được tuyển chọn để ươm tạo tại Vườn ươm Mekong, một Hub ươm tạo của Vườn ươm khởi nghiệp UEH tại Mekong Delta. Đồng thời UEH, sẽ mở rộng chương trình tập huấn cho các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL”.
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc chương trình và định hướng khoá học
Đại diện đơn vị phối hợp tổ chức, ThS. Trịnh Văn Ngoãn - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh triển khai Tập huấn “Giảng dạy STEM” cho giáo viên và học sinh các trường trung học tỉnh Vĩnh Long năm 2023. Thông qua lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong trường trung học; thống nhất nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường; góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên về việc tổ chức, quản lý, xây dựng và thực hiện dạy học theo phương thức giáo dục STEM.”
Ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long phát biểu
Trong khuôn khổ chương trình, PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH đã trình bày sơ lược về ngành Robotics và Trí tuệ nhân tạo. Thầy nhấn mạnh: “Ngành công nghệ robotics và trí tuệ nhân tạo là hai lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng trong thời đại công nghệ số hiện nay. Robotics là một nhánh của khoa học kỹ thuật và máy móc được thiết kế để hoạt động tự động hoặc được điều khiển từ xa bằng các phương tiện điện tử. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc tạo ra các chương trình máy tính có khả năng học tập và tự điều chỉnh mà không cần sự can thiệp của con người. Những ứng dụng của công nghệ robotics và trí tuệ nhân tạo rất đa dạng, từ sản xuất công nghiệp, y tế, nông nghiệp, đến giao thông vận tải, dịch vụ khách hàng và giải trí. Nhờ vào khả năng tự động hóa và tính linh hoạt, các hệ thống robotics và trí tuệ nhân tạo đang giúp cho các doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Tương lai của công nghệ robotics và trí tuệ nhân tạo là vô hạn và có tiềm năng để thay đổi hoàn toàn cách con người sống và làm việc trong tương lai. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chúng ta sẽ thấy nhiều ứng dụng mới và cải tiến trong lĩnh vực này, đồng thời cần phải đảm bảo rằng sự phát triển này sẽ mang lại lợi ích cho con người và xã hội.”
PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và Tương tác UEH giới thiệu về chương trình đào tạo Công nghệ Robot và Trí tuệ nhân tạo tại UEH và Phân hiệu Vĩnh Long
Đại diện học viên lớp tập huấn, Thầy Nguyễn Ngọc Lộc - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tân Quới, Vĩnh Long đã có những chia sẻ: “Giáo dục STEM ngoài việc phát triển năng lực và phẩm chất thì còn tạo được sự hứng thú trong học tập và tư duy đổi mới sáng tạo cho giáo viên và học sinh. Thông qua chương trình tập huấn chúng tôi mong muốn bước đầu được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy học STEM, đồng thời nâng cao nghiệp vụ của bản thân, từng bước đưa giáo dục STEM vào nhà trường một cách bài bản và bền vững. Giúp các em học sinh có khả năng tích hợp vận dụng các kiến thức của mình được học vào thực tiễn cuộc sống, chúng tôi rất phấn khởi và hứng thú với chương trình này”.
Thầy Nguyễn Ngọc Lộc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Quới thay mặt Giáo viên và Học sinh tham gia tập huấn phát biểu cảm nghĩ
Một số hình ảnh khác tại chương trình:
1. Toàn cảnh lễ khai mạc:
2. Hình ảnh chuyển đề 1: Tư duy thiết kế (Design Thinking)
3. Hình ảnh chuyên đề 2: Nền tảng của STEM trong Robot và Trí tuệ nhân tạo (Fundamentals of Technologies and Innovations in Agriculture)
4. Ngày thứ 2 của lớp tập huấn với 2 chuyên đề Thiết kế cơ cấu truyền động trong robot (Design mechanisms in robots) và Động cơ và cảm biến trong robot (Actuators and Sensors in Robots)
Tin, ảnh: Phân hiệu Vĩnh Long (Phòng Đào tạo, Phòng TS-TT)
Cơ quan báo chí đưa tin:
1. Cổng thông tin điện tử TP.HCM: UEH triển khai chương trình tập huấn giảng dạy STEM cho giáo viên và học sinh phổ thông
2. Báo Vĩnh Long: Giảng dạy STEM trong trường học Vĩnh Long
3. Chính sách cuộc sống: STEM trong trường học mang đến sự trải nghiệm thú vị cho học sinh Vĩnh Long
4. Giáo dục Thủ đô: Vĩnh Long tổ chức chương trình giảng dạy STEM trong trường học
5. Giáo dục & Thời đại: Vĩnh Long tổ chức chương trình giảng dạy STEM trong trường học
6. Báo mới: Vĩnh Long tổ chức chương trình giảng dạy STEM trong trường học
Chia sẻ