Hội thảo khoa học “Thực trạng kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản” thuộc đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia tại UEH

18 tháng 12 năm 2018

Trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực”, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thực trạng kết nối kinh tế giữa VIệt Nam và Nhật Bản” vào sáng ngày 17/12/2018, tại Phòng A.205, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực”, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thực trạng kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản” vào sáng ngày 17/12/2018, tại Phòng A.205, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo có sự hiện diện của TS. Hoàng Xuân Hòa - Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ; Trợ lý của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Về phía Trường Đại học Kinh tế quốc dân, có PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng - Chủ nhiệm đề tài; PGS.TS. Vũ Huy Thông - Trưởng Khoa Marketing; PGS.TS. Tô Trung Thành - Trưởng Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế. Về phía Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, có GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng, GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng, cùng lãnh đạo, giảng viên hai trường. Hội thảo do PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng NEU và GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH chủ trì.

Đây là diễn đàn trao đổi, thảo luận, đánh giá những vấn đề: Thực trạng kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trên phạm vi vĩ mô; thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản; chính sách vốn ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam; quan hệ hợp tác giữa các địa phương Việt nam và Nhật Bản; vị trí, vai trò của Việt Nam trong mô hình tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản; kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong một số ngành và lĩnh vực như sản xuất công nghiệp dịch vụ, sản xuất nông nghiệp; những thuận lợi và khó khăn trong kết nối giữa Việt Nam vả Nhật Bản; một số mô hình kết nối thành công giữa Việt Nam và Nhật Bản; tiềm năng và triển vọng kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản; các giải pháp thúc đẩy kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH phát biểu mở đầu

PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng NEU phát biểu

Tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng NEU trình bày đề tài Kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản: Các tiếp cận từ phía doanh nghiệp. Đề tài đã trình bày tổng quan về kết nối kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời chỉ ra các rào cản chính cản trở sự kết nối kinh tế giữa hai quốc gia. Phó Giáo sư cho rằng cần phải có những hành động cụ thể để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của liên kết này, cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp với hai trụ cột chính: nâng cao năng suất và học hỏi, chuyển giao công nghệ trong liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản.

PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng NEU trình bày tham luận tại Hội thảo

GS.TS. Võ Thanh Thu - Giảng viên Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing chia sẻ đề tài nghiên cứu Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn phát triển chính thức của Nhật Bản đến thương mại Việt - Nhật. Nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ tác động của FDI và ODA của Nhật Bản đến dòng thương mại song phương. Ngoài ra, Giáo sư còn chia sẻ cách tiếp cận rộng hơn về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản thông qua các hiệp định song phương, đa phương và nhấn mạnh cần đánh giá những tác động của các hiệp định này trước khi đưa ra những thông điệp về mặt chính sách.

GS.TS. Võ Thanh Thu - Giảng viên Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing chia sẻ tại Hội thảo

Các đại biểu sôi nổi tham gia đóng góp ý kiến

TS. Hoàng Xuân Hòa - Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ; Trợ lý của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng: Ngoài cách tiếp cận giữa doanh nghiệp và thị trường, cần quan tâm đến tính kết nối giữa Việt Nam và Nhật Bản về cơ chế chính sách.

TS. Hoàng Xuân Hòa chia sẻ tại hội thảo

Kết luận tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng NEU đã tổng kết những điểm cần bổ sung để đề tài hoàn thiện hơn về cơ chế chính sách, mở rộng phạm vi nghiên cứu làm phong phú tính kết nối giữa Việt Nam - Nhật Bản; đồng thời, tiếp thu kiến nghị góp ý của đại biểu về những chính sách, chủ trương phù hợp với tình hình mới để hai trường có cách tiếp cận đề tài sắc nét hơn.

Hội thảo đề tài khoa học cấp quốc gia với sự hợp tác giữa NEU và UEH nhận được nhiều đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, đã góp phần hoàn thiện đề tài, góp phần tăng tính kết nối giữa Việt Nam và đối tác chiến lược - Nhật Bản. Ngoài ra, hội thảo còn làm sâu sắc và phong phú hơn hơn mối quan hệ truyền thống khăng khít giữa NEU và UEH, đặc biệt về mặt học thuật.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tin, Ảnh: Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng.

Chia sẻ