Hội thảo khoa học Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam

Những biến động trong môi trường quốc tế gần đây dự kiến sẽ có nhiều tác động sâu sắc đến diện mạo kinh tế, chính trị thế giới trong thời gian tới. Các biến động chính có thể kể đến như chính sách kinh tế mới của Trung Quốc, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, hay sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế. Các trung tâm tài chính quốc tế truyền thống cũng đang dịch chuyển do những biến động địa chính trị (Anh, Hong Kong… có còn là trung tâm tài chính quốc tế?). Tất cả những nhân tố địa-kinh tế-chính trị cộng hưởng bởi những thay đổi vĩnh viễn trong hành vi con người (làm việc từ xa hoặc sự lựa chọn nghề nghiệp trong nền kinh tế việc làm tự do (gig economy)) từ tác động của đại dịch đang định hình lại nền tài chính toàn cầu. Nhận diện xu hướng, đánh giá các cơ hội và rủi ro từ việc định hình lại nền tài chính toàn cầu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, giới đầu tư, các doanh nghiệp và các học giả đưa ra các phản ứng thích hợp.

Các nền tảng AI đang được triển khai trong hệ thống tài chính toàn cầu hiện đang mạnh lên theo nhịp độ của hàm số mũ, chưa từng thấy trong lịch sử. Chẳng hạn, Jack Ma, người sáng lập Ant và Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử, được cho là một trong những người tiên phong sử dụng dữ liệu hoạt động kỹ thuật số của người tiêu dùng và doanh nghiệp để đánh giá rủi ro tín dụng, giảm chi phí vay mượn, cung cấp các dịch vụ tùy chỉnh (customised services). Đó là lý do chính khiến các tập đoàn tài chính Trung Quốc mở rộng với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Các công ty ở các nước phát triển hiện đang chạy đua để bắt kịp người khổng lồ Ant và Alibaba. AI đã và sẽ định hình nền tài chính toàn cầu liệu có là xu hướng không thể cưỡng lại? Ngoài những lợi ích to lớn AI mang lại trong lĩnh vực tài chính, những thách thức nào đe doạ chủ quyền tài chính của các quốc gia (sự độc quyền và những mập mờ của các công ty công nghệ, hoạt động rửa tiền, khủng bố, an toàn dữ liệu cá nhân, tính độc lập của các Ngân hàng trung ương…).

Sự phát triển của các đồng tiền kỹ thuật số đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, chính phủ các quốc gia và cả Ngân hàng Trung ương các quốc gia hàng đầu trên thế giới. Ví dụ: Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình ra mắt đồng tiền số Nhân dân tệ - DCEP; Facebook đang có kế hoạch tung ra đồng tiền điện tử Diem trong năm nay. Tương lai các đồng tiền kỹ thuật số có thể đe dọa vị thế của các đồng tiền mạnh trên thế giới như USD, EUR, ... Và thậm chí với những ưu điểm của mình, các đồng tiền tiền số có thể dần thay thế những đồng tiền mạnh trong hoạt động thanh toán, đầu tư và dự trữ. Liệu viễn cảnh này sẽ có tác động như thế nào đến sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế, và Việt Nam cần có các chính sách thích nghi như thế nào?

Những cơn địa chấn trên đã, đang và sẽ định hình lại nền tài chính toàn cầu theo nhịp độ cấp số nhân với nhiều lợi ích khổng lồ nhưng siêu bất định phía trước. Câu hỏi duy nhất mà hội thảo muốn hướng đến: CHÚNG TA CẦN PHẢI LÀM GÌ?

Trước bối cảnh đó, Khoa Tài Chính - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM phối hợp Báo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính – Sài Gòn Giải Phóng phối hợp đồng tổ chức hội thảo cấp quốc gia với chủ đề: “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam” nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, và các tổ chức cùng thảo luận về những chuyển động nói trên tác động như thế nào đến hệ thống tài chính toàn cầu, Việt Nam cần có những chiến lược nào để thích ứng với những thay đổi đó. Việc nhận diện các xu hướng, đánh giá các cơ hội và rủi ro từ sự định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và doanh nghiệp có những phản ứng phù hợp.

Hội thảo dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 27/04/2021 tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM. Hội thảo với sự tham dự của:

  • Các thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng như: TS. Nguyễn Đức Kiên; TS. Trương Văn Phước; PGS.TS. Trần Hoàng Ngân; TS. Trần Du Lịch; TS. Vũ Thành Tự Anh…
  • Các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia như: GS.TS. Trần Ngọc Thơ; TS. Cấn Văn Lực…
  • Cùng sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, những người quan tâm.

Hội thảo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược cho Việt Nam như:

  • Những thay đổi trong môi trường tài chính quốc tế gần đây.
  • Việc tái định vị các trung tâm tài chính quốc tế.
  • Các chính sách kinh tế mới của Trung Quốc, Mỹ.
  • Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hay sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế.
  • Những thay đổi trong hành vi con người từ tác động của đại dịch hay sự thay đổi trong hành vi lựa chọn việc làm theo xu hướng của nền kinh tế việc làm tự do (gig economy).
  • Tác động của sự phát triển các đồng tiền kỹ thuật số đến vị thế của các đồng tiền mạnh trên thế giới, đến sự sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế, và Việt Nam.
  • Những lợi ích, cơ hội và thách thức to lớn AI mang lại trong lĩnh vực tài chính.
  • Vấn đề chủ quyền tài chính của các quốc gia (sự độc quyền, hoạt động rửa tiền, khủng bố, an toàn dữ liệu cá nhân, tính độc lập của các Ngân hàng Trung ương…).
  • Nhận diện xu hướng, đánh giá các cơ hội và rủi ro từ việc định hình lại nền tài chính toàn cầu, các phản ứng thích hợp của các nhà hoạch định chính sách, giới đầu tư và doanh nghiệp; đề xuất chính sách thích nghi trong bối cảnh mới cho Việt Nam.

Ban tổ chức trân trọng thông báo và rất mong nhận được bài viết của các nhà nghiên cứu tham gia hội thảo này. Các bài tham luận sẽ được Ban tổ chức tuyển chọn đăng trong Kỷ yếu hội thảo.

Thông tin liên hệ:

  • Thông tin hội thảo xem chi tiết tại website: ifc.sof.edu.vn
  • Bài viết và liên hệ qua Email: sof@ueh.edu.vn
  • Hoặc: 0903710323 (ThS. Quách Doanh Nghiệp)