Skip Menu

16:31 - 13/09/2018

“Anh cảm thấy thật may mắn khi được học tại UEH”

 

Đó là chia sẻ của một trong những Cựu sinh viên tiêu biểu của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH). Sắp tới, anh sẽ tham gia trao đổi với Tân sinh viên UEH trong Lễ khai giảng Khoá 44 Đại học chính quy, sáng ngày 15/9/2018. Sự xuất hiện của anh tại Lễ Khai giảng hứa hẹn sẽ truyền cảm hứng và góp phần giúp các em Tân sinh viên chuẩn bị hành trang vững vàng với những định hướng đúng đắn trên chặng đường bốn năm Đại học quan trọng phía trước.

Từ năm cuối Đại học (Năm 1995), anh đã tham gia thực tập ở một số doanh nghiệp như: Vinamilk, Công ty vận tải biển, P&G và đã được tiếp nhận ở vị trí kinh doanh. Nhưng cuối cùng, cái duyên với ngành ngân hàng đã đưa anh đến quyết định đầu quân vào HSBC. Trải qua nhiều vị trí, năm 2014, anh là người Việt Nam đầu tiên bước lên vị trí cao nhất của Ngân hàng HSBC Việt Nam. Ngoài ra, anh còn được mệnh danh là người buôn tiền số 1, đem lại không ít “điệp vụ triệu đô la” cho HSBC trong giai đoạn thị trường ngoại hối nhiều biến động (*).

Người đàn ông bản lĩnh với vẻ ngoài hiền lành ấy chính là anh Phạm Hồng Hải - Cựu sinh viên UEH khoá 17, chuyên ngành Quản trị kinh doanh (Khoa Quản trị). Hiện anh đang là Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam. Anh cũng là thành viên của Mạng lưới nhà quản lý và doanh nhân thành đạt tiêu biểu đông đảo của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH).

Thông qua một số câu hỏi phỏng vấn ngắn của UEH, anh Hải đã chia sẻ những cảm nhận, góc nhìn về nơi anh từng gắn bó thời sinh viên - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ngày ấy và bây giờ.

Anh Phạm Hồng Hải - Cựu sinh viên UEH khoá 17 - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

Chào anh Hải, anh cảm nhận như thế nào về quãng thời gian học tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh?

Được học tại Trường Đại Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thời điểm đó là một niềm tự hào lớn của anh và rất nhiều bạn khác vì rất nhiều bạn cũng mong muốn học tại UEH nhưng không phải ai cũng vào học được.

Trong quá trình học ở Trường, anh thấy có một số môn mang tính đổi mới và nắm bắt được xu hướng của thị trường Việt Nam lúc bấy giờ. Anh rất thích môn Thị trường chứng khoán của UEH vì thực tế thời điểm đó ở Việt Nam chưa có thị trường chứng khoán, thị trường này có vẻ rất bí ẩn khi giá cả biến động không ngừng, có người thua và kẻ thắng do những biến động này. Chính nhờ môn học đó đã giúp anh khơi dậy niềm yêu thích về thị trường ngoại hối, góp phần xây dựng nền tảng cho anh trên con đường sự nghiệp. Anh cũng rất thích môn Kinh tế vĩ mô, dưới sự dẫn dắt của Thầy Nguyễn Thành Phong - hiện là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Một điều thú vị là đối với tất cả những môn học anh cảm thấy rất đam mê thì sau này đều gắn liền và hỗ trợ rất nhiều cho nghề nghiệp của anh.

Ngoài ra, anh nhận thấy có một điểm anh rất thích ở UEH là mình có cơ hội được học tập với rất nhiều bạn giỏi. Điều này giúp anh không ngừng nỗ lực học hỏi, vươn lên và phát triển bản thân trong suốt bốn năm Đại học.

Thưa anh, học chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại UEH đã giúp ích cho anh như thế nào trên con đường sự nghiệp?

Thực tế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh là chuyên ngành rộng, không chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể nào. Nhưng anh nghĩ tất cả những kiến thức học được ở chuyên ngành này cho anh nền tảng rất tốt về lý luận, về kinh doanh và quản lý. Đây là cơ sở vững chắc để khi ra trường, vào bất kỳ lĩnh vực nào mình cũng có khả năng tự phân tích, tự học hỏi. Đến bây giờ, anh vẫn cho rằng nỗ lực tự học của mỗi người thực sự rất quan trọng đối với thành công của họ. Và anh cảm thấy thật may mắn khi được học chuyên ngành này tại UEH.

Các môn học ở Trường giúp anh có thể hình dung cơ bản về công việc, gợi mở được hướng đi sau này trên con đường sự nghiệp. Ví dụ như nhờ học môn Quản trị Nhân sự, anh hình thành ý tưởng để quản lý con người và từ đó xây dựng phong cách lãnh đạo của riêng mình. Từ những kiến thức tiếp cận được ở Trường tạo cho anh sự tò mò và động lực để anh tìm hiểu, đọc sách nhiều hơn và chuẩn bị cho công việc trong thực tế tốt hơn.

Thưa anh, nếu quay lại bốn năm Đại học, anh có muốn thay đổi điều gì để hoàn thiện bản thân và thành công hơn trên con đường sự nghiệp không ạ?

Nếu có cơ hội quay lại thời sinh viên tại UEH, anh nghĩ có một số điều anh sẽ làm khác:

Thứ nhất là, ở thời điểm đó, phong trào làm thêm đang rộ lên, bản thân anh cũng đi làm rất nhiều công việc như: gia sư, phiên dịch ở hội chợ, nghiên cứu thị trường,… Những kiến thức đi làm thêm rất hữu ích, đặc biệt là khi phỏng vấn tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu được lựa chọn lại, anh nghĩ sẽ dành thời gian nhiều hơn cho việc học tập. Mặc dù làm thêm quan trọng trong việc tích lũy kinh nghiệm nhưng chưa phải là việc chính ở thời điểm ấy; chúng ta cần phải xác định ở từng thời điểm việc gì nên là ưu tiên, quan trọng hơn. Thời gian học Đại học là giai đoạn quan trọng, giúp chuẩn bị kiến thức nền tảng vững chắc, nhất là trong giai đoạn hiện nay Internet phát triển hơn thời anh ngày xưa rất nhiều, rất thuận tiện và có nhiều cơ hội để các em có thể cập nhật kiến thức mới, học hỏi chuyên sâu.

Thứ hai là, trong thời gian học, cần tự đặt câu hỏi để xác định càng sớm càng tốt định hướng nghề nghiệp, nỗ lực tìm kiếm niềm đam mê để toàn bộ quá trình học sẽ tập trung chuẩn bị cho việc thực hiện ước mơ của mình, tránh lan man, hoạt động gì cũng tham gia nhưng không biết để làm gì.

Thưa anh, hiện nay, UEH đang đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa và nâng cao năng lực tiếng Anh đầu ra cho sinh viên, anh nghĩ như thế nào về hoạt động này?

Anh nghĩ đây là việc quan trọng và vô cùng cần thiết. Vì cả thế giới hội nhập, các bạn sinh viên không chỉ cạnh tranh với khoảng 90 triệu dân tại Việt Nam mà phải cạnh tranh với khoảng 7 tỷ người trên thế giới. Anh thấy rất rõ là ở các vị trí tuyển dụng ngay trong Ngân hàng HSBC, không chỉ là các bạn Việt Nam cạnh tranh nhau mà tất cả các bạn trên thế giới đều có thể nộp đơn vào vị trí đó. Theo quan điểm của anh, ngoài kiến thức quốc tế, ngoại ngữ rất quan trọng, nhưng tiếng Anh thôi thì chưa đủ, vì tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng, chắc chắn mình phải giỏi rồi. Nếu không có năng lực tiếng Anh tốt, các bạn sẽ dễ dàng bị đào thải khỏi thị trường lao động hiện nay. Các bạn sinh viên nên trau dồi thêm ngôn ngữ thứ hai: Pháp, Hoa, Nhật,… hay bất kỳ ngôn ngữ nào các bạn yêu thích; điều đó sẽ tạo lợi thế cạnh tranh khác hẳn trên thị trường lao động. Anh thấy rất rõ ở Ngân hàng HSBC, khi thông thạo ngoại ngữ thứ hai, cơ hội cho các bạn phát triển nghề nghiệp ở thị trường quốc tế rất lớn.

Thưa anh, là người quan tâm và có nhiều trăn trở về thế hệ trẻ, anh Hải mong muốn đồng hành cùng các em sinh viên UEH ở góc độ nào ạ?

Ngân hàng HSBC hàng năm đều có tuyển nhiều vị trí thông qua Chương trình Quản trị viên tập sự, Thực tập sinh... Anh rất muốn tạo cầu nối để sinh viên UEH có thể tham gia vào HSBC, một môi trường chuyên nghiệp, lành mạnh và cho các em nhiều cơ hội để học hỏi.

Bên cạnh đó, các bạn sinh viên UEH có thể tham gia cuộc thi “HSBC Business Case Competition”, cuộc thi thường niên có quy mô lớn, mang tính toàn cầu do HSBC tổ chức. Anh rất hy vọng đội UEH sẽ là đội đại diện Việt Nam và đạt giải thưởng cao nhất trong vòng thi Quốc tế với các trường đại học khác trên thế giới vào năm sau.

Cảm ơn anh Hải vì đã sắp xếp thời gian để trao đổi cùng UEH!

 

Anh Phạm Hồng Hải là một trong rất nhiều hình ảnh cựu sinh viên thành đạt của UEH trên tất cả các lĩnh vực của các loại hình tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là một mạng lưới rộng khắp mà UEH rất tự hào và sẽ tăng cường kết nối trong thời gian tới.

 

 

Tin, Ảnh: Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng.

 

(*)Bài viết có tham khảo về tiểu sử của anh Phạm Hồng Hải do các cơ quan báo chí đưa tin dưới đây và đã được anh xác nhận thông tin:

https://vnexpress.net/projects/cong-viec-dau-doi-cua-cac-ceo-ngan-hang-3533121/index.html

https://viettimes.vn/ceo-hsbc-pham-hong-hai-nguoi-buon-tien-so-mot-3073.html

https://news.zing.vn/cai-dau-lanh-o-hsbc-post514392.html

Top